Tắc nghẽn cục bộ giảm, chất lượng dịch vụ tăng
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết thời gian qua, chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không (CHK), sân bay đã chuyển biến rõ rệt. “Các khu vực bị tắc nghẽn cục bộ tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã được cải thiện một bước nhờ bố trí dải phân cách mềm, nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hàng không với các đơn vị hải quan, xuất nhập cảnh, bố trí lại mặt bằng của các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không tạo sự thông thoáng phòng chờ; chủng loại mặt hàng khá đa dạng cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách, giá cả được niêm yết công khai theo quy định”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận trong giờ cao điểm, tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn còn tình trạng quá tải và tắc nghẽn cục bộ tại các khu vực làm thủ tục hàng không (check-in), soi chiếu an ninh, kiểm tra hải quan, xuất nhập cảnh... Hệ thống nhà vệ sinh thiếu về số lượng, diện tích phòng vệ sinh nhỏ, một số nơi thiết bị xuống cấp chưa được thay thế kịp thời, bị quá tải trong khung giờ cao điểm. Chất lượng và số lượng quầy nước miễn phí nhà ga đi, đến còn ít, wifi lúc có lúc không...
Đối với các dịch vụ phi hàng không phục vụ nhu cầu của khách nối chuyến, ông Thanh cũng cho rằng chưa bố trí đầy đủ, không có phòng nghỉ/hộp ngủ hoặc bố trí ghế ngồi có tựa đầu, phòng tắm trong khu vực nhà vệ sinh phục vụ hành khách...
Cần một người “cầm trịch”
Ngay khi Cục trưởng Lại Xuân Thanh hoàn tất phần báo cáo của mình, Bộ trưởng Đinh La Thăng liên tiếp đặt câu hỏi: Đánh giá như vậy đúng chưa? Tồn tại tại các CHK là gì? Nguyên nhân của từng đơn vị, của cảng thế nào, đảm bảo bay thế nào? Dịch vụ vận chuyển ra sao? “Phải phân tích kỹ nguyên nhân thì mới có giải pháp khắc phục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện HĐTV Tổng công ty CHK VN - ông Vũ Tuấn San cho rằng, việc không có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của CHK chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng dịch vụ CHK chưa được kiểm soát chặt chẽ. “Cứ nói đến chất lượng dịch vụ tại CHK kém, người ta thường nghĩ ngay đến sân bay. Trong khi đó, thực chất lại liên quan tới nhiều đơn vị từ cảng, cảng vụ, hải quan, cửa khẩu...”, ông San nói.
Giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú cho rằng, đánh giá về chất lượng dịch vụ ở CHK không chỉ nhà khai thác cảng mà còn nhiều đơn vị liên quan như các hãng hàng không, các đơn vị dịch vụ mặt đất... “Thái độ và cung cách làm việc không chỉ của nhân viên hàng không mà của lực lượng hải quan, cửa khẩu cũng ảnh hưởng rất nhiều. Tôi cho rằng, phải xây dựng dịch vụ chuẩn của sân bay và cũng thống nhất quan điểm phải có cơ chế, có người điều hành chung” - ông Tú kiến nghị.
Phía CHK quốc tế Nội Bài, Giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết, Nội Bài là nhà ga duy nhất có sức ép khai thác luôn gấp đôi công suất. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng dịch vụ tại đây chưa được như mong muốn. Mặc dù vậy, ông Phiệt cũng thừa nhận chất lượng lao động, cung cách phục vụ cũng là nguyên nhân đáng kể kéo lùi chất lượng dịch vụ. “Trong vòng 6 tháng qua, Cảng đã sa thải gần chục lao động, hạ mức xếp loại lao động gần 40 người, trong đó có cả Phó giám đốc khai thác ga. Việc kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ, thưởng phạt phân minh đã giúp nâng chất lượng dịch vụ lên nhiều”, ông Phiệt nói.
Tổng chỉ huy là giám đốc các cảng
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng đánh giá thời gian qua, sau nhiều nỗ lực, chất lượng dịch vụ CHK, sân bay đã được nâng lên, giá cả dịch vụ phi hàng không được kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng dù đã có chuyển biến nhưng so với nhu cầu, so với đòi hỏi của người dân vẫn chưa đáp ứng được. “Vẫn còn nhiều tồn tại khiếm khuyết mà nếu chúng ta nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn thì chưa cần đầu tư nhiều tiền cũng đã khắc phục được”, Bộ trưởng nói.
“Như việc đi máy bay có lúc phải chờ cả vài tiếng đồng hồ mới lấy được hành lý. Việc này hoàn toàn khắc phục được nếu truy rõ trách nhiệm. Khu vệ sinh vốn nhận được nhiều phàn nàn từ phía khách hàng. Nếu có người trực, quy định rõ trách nhiệm ai trực, từ giờ nào đến giờ nào thì chắc chắn sẽ không bị kêu ca nhiều đến vậy. Hay như đợt trước tôi đi kiểm tra nhà ga, kẹo cao su đầy trên sàn từ tầng 1 đến tầng 4. Có nhắc nhở, vài hôm sau dọn hết ngay...”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng cũng đồng ý quan điểm cho rằng từng CHK phải có tổng chỉ huy nếu không sẽ không ai bảo được ai. “Bản thân các đơn vị phối hợp với nhau chưa tốt. Vai trò của tổng chỉ huy, tư lệnh của sân bay chưa có. Hạ tầng dù đã quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu...
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu phải xây dựng ngay quy chế hoạt động chung tại các CHK. Tổng chỉ huy là Giám đốc các cảng. Quy chế này phải do Cục Hàng không chỉ đạo xây dựng. Phải quy định họp giao ban điều hành hàng ngày. Từng đơn vị phải có quy chế làm việc của mình. Đây là những việc không mất tiền, không tốn tiền nhưng có thể giúp cải thiện chất lượng nhanh chóng.
“Để kiểm soát được chất lượng dịch vụ thì phải quy trách nhiệm cho từng cá nhân. Tổng giám đốc các cảng là người chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng dịch vụ. Phải rà soát lại nhân sự các đơn vị, bố trí hợp lý. Ngay cả người đứng đầu các vị trí nếu không đáp ứng, không đủ năng lực thì phải thay người khác” - Bộ trưởng chỉ đạo./.
(Nguồn: Báo GT)