Vị trí địa lý tạo sức hút cho CHK quốc tế Long Thành

Thứ Bảy, 30/05/2015 - 20:33 GMT+7

 Những ưu thế về địa lý, tiềm năng có thể khiến một CHK trung chuyển "sinh sau, đẻ muộn" như Long Thành có thể cạnh tranh với các CHK đã và đang được khai thác rất tốt trong khu vực.

Thoát cảnh phụ thuộc
Bàn về sự cần thiết xây dựng CHK quốc tế Long Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT Trần Minh Phương cho biết, hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã lần lượt quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn, có tính cạnh tranh để đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia như: Cảng Hàng không quốc tế Suvarnabhumi - Thái Lan (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur - Malaysia (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Changi - Singapore (quy hoạch 135 triệu hành khách/năm).
“Do cơ sở hạ tầng hàng không chưa đáp ứng, Việt Nam hiện nay mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm hàng không trong khu vực như: Singapore, Bangkok, Hồng Kông của các hãng hàng không lớn của châu Âu, Bắc Mỹ” - ông Phương nói.
Đồng quan điểm, GS. Lã Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ GTVT khẳng định: Mô hình vận tải của hàng không thế giới là dùng CHK trung chuyển, các sân bay khác là vệ tinh. Nếu chúng ta cứ mãi thế này, sẽ khó tránh việc trở thành vệ tinh cho những vùng khác. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ phải chấp nhận cảnh phụ thuộc.
“Sinh sau” nhưng đầy sức hút
Cùng với những ý kiến ủng hộ, còn có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về khả năng cạnh tranh của một CHK “sinh sau, đẻ muộn” như Long Thành, hay nói cách khác, ra đời sau thì lợi thế nào để Long Thành có thể hút khách? Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng Hàng không VN Nguyễn Nguyên Hùng nêu rõ: CHK quốc tế Long Thành được hình thành và đưa vào khai thác sau các CHK trung chuyển lớn trong khu vực như Chek Lap Kok (Hồng Kông), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... nên chắc chắn sẽ phải cạnh tranh để thu hút các hành khách và hãng hàng không.
alt image
 Mạng đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành
“Trong giai đoạn phát triển ban đầu, CHK quốc tế Long Thành sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực do hạ tầng phục vụ công nghiệp hàng không, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ thương mại... chưa được xây dựng đầy đủ. Tuy nhiên về lâu dài, CHK quốc tế Long Thành lại có rất nhiều lợi thế” - ông Hùng nói.
Cụ thể, theo ông Hùng, CHK quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp, đi đến các châu lục như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả.
Hơn nữa, theo ông Hùng, vị trí lựa chọn tại Long Thành hiện tại hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai (5 nghìn ha) để phát triển thành một CHK hiện đại, phát triển các dịch vụ phi hàng không đa dạng, phong phú, đặc biệt là có thể phát triển thành mô hình thành phố sân bay (Airport City) bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Ngoài ra, theo ông Hùng, về thị trường, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân được dự báo là khu vực có tăng trưởng cao về sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi xây dựng CHK quốc tế Long Thành là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước.
“Yếu tố dân số và tăng trưởng nội khu vực là lợi thế rất lớn khi so sánh với Singapore (dân số 5,4 triệu người), Hồng Kông (dân số 6 triệu), Malaysia (dân số 30 triệu), Thái Lan (dân số 67 triệu)... Đây là yếu tố cần thiết để phát triển bền vững của một CHK trung chuyển” - ông Hùng nói.
Đáng nói hơn nữa, Việt Nam có nền chính trị ổn định, không có các xung đột tôn giáo, sắc tộc có thể gây ra các bất ổn xã hội làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, qua đó có thể gây ra các sụt giảm trong việc tăng trưởng của ngành Hàng không.
Nguồn: baogiaothong.vn
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website