Trang Thông tin điện tử Cục Hàng không Việt Nam trân trọng đăng tải bài tham luận của Cục trưởng Cục Hàng không Việt NamĐinh Việt Thắng tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”:
Vietnam Airlines – sải cánh cùng sứ mệnh và trách nhiệm của DNNN
Trong tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, dù trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch tập trung hay khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế, không thể không nhắc đến sự đóng góp cùng vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đặc biệt trong những thời điểm tình hình kinh tế – chính trị – xã hội thế giới có những diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò của DNNN càng được thể hiện và khẳng định, là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.
Vai trò và trách nhiệm của DNNN đã được nêu bật trong quan điểm tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, theo đó: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, đồng thời “Nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản trong đó khẳng định vị trí quan trọng cũng như vai trò, nhiệm vụ mà khu vực DNNN đảm nhiệm, từ đó chỉ rõ cần thiết phát triển và phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế mà DNNN đang nắm giữ để đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước.
Như tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ nêu rõ quan điểm: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt, tích cực chủ động tham gia xây dựng phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.
Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, sự tham gia và vai trò của các DNNN đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu và gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển trong cả ba trụ cột cơ bản cấu thành hoạt động hàng không, bao gồm: Vận tải hàng không (vận chuyển hành khách và hàng hóa); Cảng hàng không, sân bay (bảo đảm hạ tầng khu bay và khu vực làm thủ tục hành khách, hàng hóa trước và sau chuyến bay); và Quản lý bay (bảo đảm các dịch vụ cho các chuyến bay được thực hiện an toàn hiệu quả). Trong đó, với riêng trụ cột về vận tải hàng không trong hoạt động của hàng không dân dụng tại Việt Nam, không thể không nhắc đến sự hiện diện của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines).
Vị thế và những vai trò, nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Vietnam Airlines cũng được nêu bật tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó: “Tiếp tục phát triển hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN”.
Ngược dòng thời gian để trở về với thời điểm ban đầu, hoạt động vận tải hàng không dân dụng được bắt đầu cùng với sự ra đời của Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) theo Nghị định số 666-TTg ngày 15/01/1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm đó, hoạt động khai thác vận tải hàng không vẫn là một nhiệm vụ và chức năng của đơn vị khối cơ quan nhà nước. Đến tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (tên gọi ban đầu của Vietnam Airlines) chính thức được hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô lớn của Nhà nước; và vào ngày 27/05/1995, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được thành lập trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không, lấy Vietnam Airlines làm nòng cốt theo Quyết định số 328/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đến, sau khi thực hiện chào bán thành công cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/4/2015, Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với việc Bộ Giao thông vận tải được giao là đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước – là cổ đông lớn tại Vietnam Airlines. Lần lượt đến tháng 01/2017, cổ phiếu Vietnam Airlines chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCOM của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (với mã chứng khoán HVN), và đến tháng 05/2019, cổ phiếu HVN được niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu bước chuyển mình lớn mạnh của Vietnam Airlines.
Từ sau tháng 11/2018, thực hiện chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm mục tiêu phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, phần vốn góp của nhà nước tại Vietnam Airlines được chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, điều này cũng hướng đến việc tiếp tục phát huy hơn nữa những đóng góp và vai trò trong quá trình hoạt động của Vietnam Airlines, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong chiều dài lịch sử gần 70 năm ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói chung và 30 năm của Vietnam Airlines nói riêng là một chặng đường ghi dấu cho những phát triển liên tục và ngày càng vững chắc. Dù qua nhiều lần thay đổi tổ chức, tên gọi để phù hợp tình hình, nhiệm vụ của từng thời kỳ (trực thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), nhưng trong bất cứ điều kiện nào, Vietnam Airlines luôn cho thấy sự cố gắng, nỗ lực, phát huy năng lực nội tại, tận dụng cơ hội, từng bước vượt qua những khó khăn; chủ động, sáng tạo, phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Minh chứng cho những điều này, với vị thế là DNNN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, Vietnam Airlines đã thể hiện vai trò và những đóng góp không chỉ trong việc phát triển hoạt động thương mại vận tải hàng không, mà còn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, đồng thời tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm trong các hoạt động xã hội. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, Vietnam Airlines thể hiện rõ nét vai trò đi đầu, chủ lực và dẫn dắt của DNNN.
Trước năm 2011, dù có sự góp mặt của Jetstar Pacific (sau này là Pacific Airlines, cũng là doanh nghiệp vận chuyển hàng không nằm trong cùng hệ sinh thái hoạt động của Vietnam Airlines Group), nhưng Vietnam Airlines luôn là hãng hàng không có hoạt động và giữ tỷ trọng lớn nhất tại Việt Nam với trên 80% thị phần vận chuyển hàng không. Những năm tiếp theo, lần lượt có thêm các hãng hàng không Việt Nam (hãng HKVN) được thành lập và tham gia hoạt động (Vietjet Air năm 2012, Bamboo Airways năm 2019, Vietravel Airlines năm 2020), thị trường vận tải hàng không Việt Nam trở nên nhộn nhịp hơn, từng bước thể hiện sự lớn mạnh và phát triển cả về quy mô chất và lượng; dù vậy, Vietnam Airlines vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong hoạt động khai thác vận chuyển hàng không cả nội địa và quốc tế của các hãng HKVN.
Thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, hoạt động của Vietnam Airlines đang trong giai đoạn tăng trưởng ổn định với sản lượng vận chuyển bình quân tăng 5%/năm về hành khách và 10%/năm về hàng hoá; trong đó, riêng năm 2019, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 22 triệu hành khách với hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 83%, chiếm hơn 36% thị phần vận chuyển nội địa và 21% thị phần vận chuyển quốc tế (vận chuyển hàng không quốc tế có sự cạnh tranh với cả các hãng hàng không nước ngoài).
Sau giai đoạn chịu những tác động tiêu cực trực tiếp và những hậu quả để lại do đại dịch Covid-19 làm hoạt động khai thác vận chuyển hàng không trong nhiều thời điểm bị đình trệ, cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Vietnam Airlines đã nỗ lực triển khai các giải pháp để phục hồi, dần lấy lại nhịp tăng trưởng. Kết quả ghi nhận trong năm 2023, Vietnam Airlines phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hơn 20 triệu hành khách, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước, với hệ số sử dụng ghế đạt trung bình xấp xỉ 80%.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, từ ngày đầu với những chuyến bay chuyên cơ đầu tiên đưa đón Bác Hồ đi công tác trong nước và quốc tế, đến những chuyến bay chuyên cơ phục vụ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng trăm chuyến bay mỗi năm cả trong và ngoài nước, bảo đảm tuyệt đối an toàn, chu đáo và đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn có vai trò là lực lượng vận chuyển chiến lược đặc biệt, lực lượng dự bị phục vụ an ninh, quốc phòng của đất nước, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ như bay vận chuyển quân, vận chuyển trang thiết bị quân sự, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Với vị trí là DNNN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, Vietnam Airlines cũng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện những nhiệm vụ vận chuyển nhân dân trong những thời điểm quan trọng diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội trên thế giới có những biến động phức tạp. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của Vietnam Airlines trong việc thực hiện các chuyến bay đến những vùng có dịch bệnh Sars để đón đồng bào Việt Nam về nước, bay “giải cứu” hành khách bị kẹt tại sân bay Băng Cốc trong thời điểm xuất hiện bạo động và bất ổn chính trị tại Thái Lan; chuyến bay giải tỏa hành khách bị kẹt tại các sân bay khu vực châu Âu do ảnh hưởng núi lửa; giải tỏa các hành khách đi và đến Nhật Bản trong thảm họa động đất và sóng thần; chiến dịch lập cẩu hàng không đưa người lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông và Bắc Phi hồi hương; hay gần đây hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu là những chuyên bay đưa người dân trở về nước an toàn… Những kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ đó là những minh chứng cho vai trò, trách nhiệm với dân tộc, với đất nước, và cũng là sứ mệnh được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho Vietnam Airlines thực hiện.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của DNNN trong các hoạt động với cộng đồng, người dân, xã hội và môi trường. Tiêu biểu trong các hoạt động của Vietnam Airlines có thể kể đến như: đồng hành cùng chương trình Khám Sàng Lọc của VinaCapital Foundation để đưa đội ngũ y tế và các thiết bị máy móc cần thiết đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện đi lại; tham gia cùng Tổ chức Facing The World thực hiện phẫu thuật các ca bệnh phức tạp Đầu – mặt – cổ – mắt, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho y bác sĩ Việt Nam; hỗ trợ Tổ chức Operation Smile thực hiện phẫu thuật nụ cười thông qua 10 dự án tổng thể tại các tỉnh thành trên cả nước; phối hợp cùng Nhịp tim Việt Nam thực hiện khám sàng lọc và mổ tim cho 30.000 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh; tham gia vận chuyển vắc xin phòng chống đại dịch trong cả nội địa và quốc tế, vận chuyển miễn cước vật tư y tế và hàng nghìn y bác sĩ, nhân viên hậu cần tham gia chống dịch Covid-19; tích cực tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức của toàn xã hội việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại doanh nghiệp và cộng đồng thông qua các chương trình truyền thông và các chuyến bay mang thông điệp HeForShe; tham gia dự án đo lường phát thải khí CO2 (CO2 Connect) do Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) phát triển; nghiên cứu triển khai thực hiện chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững đối với môi trường…
Có thể nói rằng, với vị thế, năng lực hoạt động và truyền thống của mình, từ khi thành lập đến nay, Vietnam Airlines luôn thể hiện được vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó. Những nhiệm vụ được Vietnam Airlines thực hiện không chỉ ghi dấu vào những kết quả và củng cố thêm lịch sử truyền thống của Tổng công ty, mà còn có tác động lan toả, góp phần vào sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước; cụ thể là việc thúc đẩy hoạt động giao thông vận tải – logistic, giao thương kinh tế – đầu tư – văn hoá; đồng thời đóng góp trong việc mở rộng, nâng cao quan hệ ngoại giao và tăng cường, phát triển hoạt động du lịch lữ hành.
Tuy nhiên, một thực tế rằng việc bùng phát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu bắt đầu từ năm 2020 với những đợt giãn cách xã hội, dừng hoạt động khai thác và những hậu quả để lại trong những năm tiếp theo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường hàng không thế giới và Việt Nam, tác động tiêu cực đến toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, đẩy Vietnam Airlines vào tình trạng khủng hoảng kéo dài đến hiện tại.
Trong giai đoạn năm 2020 – 2022 chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch, sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines chỉ đạt hơn 38 triệu hành khách và 640 nghìn tấn hàng hoá, giảm 42% về hành khách và chỉ bằng 63% về hàng hoá so với giai đoạn trước đại dịch (2017 – 2019); trong đó tổng sản lượng vận chuyển khách nội địa chỉ đạt 85% và quốc tế đạt 15% so với trước đại dịch. Việc sụt giảm trong hoạt động khai thác làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, khiến Vietnam Airlines bị rơi vào tình trạng âm lợi nhuận và vốn chủ sở hữu, mất cân đối về tài chính và dòng tiền.
Cũng trong trong giai đoạn 2020 – 2022 trên thế giới, theo báo cáo của Ciricum, đã có 68 hãng hàng không phá sản hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính phủ nhiều quốc gia đã tích cực triển khai những giải pháp để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn, khủng hoảng gây ra bởi đại dịch. Theo đó, đa phần các nước, Chính phủ đều ưu tiên hỗ trợ các hãng hàng không có vốn đầu tư/có cổ phần nhà nước (như Singapore hỗ trợ Singapore Airlines, Indonesia hỗ trợ Garuda, Malaysia hỗ trợ Malaysia Airlines, Đức hỗ trợ Lufthansa, Hà Lan – Pháp hỗ trợ AF-KLM); một số Chính phủ các nước lớn (như Mỹ, Anh, Úc) triển khai áp dụng các giải pháp hỗ trợ được cho toàn bộ các hãng hàng không. Giải pháp hỗ trợ các Chính phủ dành cho các hãng hàng không được triển khai dưới các hình thức như: hỗ trợ về tài chính (cho vay lãi suất ưu đãi, cho vay hỗ trợ trả lương, mua trái phiếu chuyển đổi, giảm điều kiện cho vay…); hỗ trợ về chính sách (miễn/giảm/hoãn các loại thuế, giảm chi phí điều hành bay, điều chỉnh chính sách giá vé…); hỗ trợ về chương trình tái cấu trúc, quản trị doanh nghiệp (tái cấu trúc các khoản nợ, bảo lãnh vay, bảo hộ phá sản…).
Theo số liệu từ IATA trong năm 2021, Chính phủ các quốc gia đã hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không toàn cầu 243 tỷ USD, thông qua các gói: hỗ trợ lương không hoàn lại (81 tỷ USD), cho vay có hoàn lại hoặc giãn thanh toán (73 tỷ USD), hỗ trợ không hoàn lại trực tiếp bằng tiền hay thông qua mua cổ phần (38 tỷ USD), bảo lãnh va nợ (26 tỷ USD), hỗ trợ thuế doanh nghiệp (25 tỷ USD), hỗ trợ thuế nhiên liệu (1 tỷ USD).
Tại Việt Nam, để hỗ trợ các hãng HKVN nói chung và Vietnam Airlines nói riêng vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp, chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hoạt động của các hãng.
Tiêu biểu trong đó có thể kể đến các chính sách như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí dịch vụ cất hạ cánh tàu bay và giấ dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; cho vay hỗ trợ lãi suất; cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ; gói hỗ trợ thanh khoản thông qua vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn cho Vietnam Airlines; chính sách trích khấu hao và phân bổ chi phí bảo dưỡng tàu bay động cơ theo giờ bay thực tế…
Cùng với các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý, Vietnam Airlines đã nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn từ nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, như: xây dựng và thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường; tiết kiệm, cắt giảm chi phí ngoài hoạt động chính; đàm phán với các bên đối tác, nhà cung cấp, bên cho vay để thống nhất phương án thanh toán, giãn tiến độ, gia hạn các khoản thanh toán, cơ cấu lại các khoản vay; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hoạt động, các đơn vị thành viên; tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn; nâng cao năng lực cạnh tranh…
Nhờ đó, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19, với các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và những nỗ lực, cố gắng của Vietnam Airlines, cùng sự khởi sắc của thị trường hàng không, sang năm 2023 và 2024, hoạt động khai thác vận chuyển hàng không và sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đã có những tín hiệu hồi phục tích cực. Trong năm 2024, sản lượng vận chuyển 9 tháng đầu năm của Vietnam Airlines đạt xấp xỉ 17 triệu hành khách, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, và đạt mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng ghi nhận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024.
Tuy vậy, kết quả tích cực gần đây trong hoạt động của Vietnam Airlines chưa thể giúp Tổng công ty vượt qua những khó khăn và khắc phục hoàn toàn những hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại. Các chỉ tiêu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines chưa trở lại ngưỡng an toàn mà tiếp tục trạng thái xấu với mức đánh giá xếp hạng rủi ro cao; đây là khó khăn lớn cho những nỗ lực, cố gắng của Vietnam Airlines và cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp.
Những khó khăn do hậu quả để lại này sẽ tiếp tục là những trở ngại lớn trong bối cảnh những yếu tố khác có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động khai thác của Vietnam Airlines phát sinh những diễn biến bất lợi, cụ thể là: quy mô đội tàu bay sụt giảm do lệnh triệu hồi sửa chữa động cơ từ nhà sản xuất, giá nhiên liệu hàng không và tỷ giá ngoại tệ neo cao ở nhiều giai đoạn trong năm, tình hình chính trị – kinh tế và chiến sự tại một số quốc gia trên thế giới còn nhiều bất ổn, chưa được giải quyết.
Mới đây, tại buổi làm việc với các DNNN ngày 15/6/2024, trong phát biểu kết luận chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục đánh giá cao vai trò, vị trí, những đóng góp quan trọng của DNNN đối với nền kinh tế, và khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng, Cục HKVN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không, các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung, đồng hành cũng các doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả, tối ưu các hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn ngay từ khi xuất hiện những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành hàng không.
Trong thời gian tới, Cục HKVN sẽ tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines và các hãng HKVN tăng cường, mở rộng hoạt động trên cơ sở năng lực của các hãng, điều kiện hạ tầng và các quy định pháp luật với các giải pháp trọng tâm như: tạo điều kiện để các hãng thuê/mua bổ sung đội tàu bay; điều phối, phân bổ hợp lý giờ/thời gian khai thác; cải thiện, nâng cao năng lực hạ tầng; hỗ trợ các hãng mở rộng, phát triển mạng đường bay…
Tuy nhiên, để trở lại với nhịp độ và đà tăng trưởng ổn định như giai đoạn trước đối với các hãng HKVN và cụ thể với Vietnam Airlines sẽ là một con đường dài và còn nhiều thách thức.
Trên con đường đó, Vietnam Airlines sẽ cần thêm những quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hoạt động, thực hiện theo các quy định pháp luật và cơ chế chính sách từ phía các cấp, các cơ quan có thẩm quyền; trong đó có việc hoàn thiện và xem xét phê duyệt triển khai Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt với các giải pháp về bổ sung nguồn lực tài chính, cải thiện thanh khoản, ổn định dòng tiền, triển khai đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gia hạn các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất vay, cơ cấu nhóm nợ vay...
Trưởng thành và phát triển trong lịch sử của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, là đại diện đầu tiên, là “cánh chim đầu đàn” của hàng không Việt Nam, 30 năm chính thức hình thành là 30 năm Vietnam Airlines thể hiện vai trò và vị thế của một DNNN tiên phong trong lĩnh vực hàng không.
Trước bối cảnh thời đại mới của đất nước và những biến động trên bình diện quốc tế, Vietnam Airlines với sứ mệnh và trách nhiệm mình sẽ cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa với những điều kiện hiện có và năng lực nội tại, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp có thẩm quyền để kiên cường vượt qua những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp, thực hiện thành công các kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mang “sải cánh” đưa những mục tiêu và kết quả thực hiện nhiệm vụ ngày một “vươn cao”./.
Đinh Việt Thắng
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Ngày 16/11/2024, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã phối hợp tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà ga hàng hóa – Cảng HKQT Cát Bi. Phó Cục trưởng Cục HKVN Phạm Văn Hảo tham dự Lễ khởi công.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.
Bộ Tài chính Thái Lan đang chuẩn bị chuyển đổi nợ của hãng hàng không quốc gia Thai Airways International thành vốn chủ sở hữu.