Tới dự buổi lễ có đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng, đồng chí Trần Đức Lương – nguyên Chủ tịch nước, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Doan - Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT
Buổi lễ còn có sự tham dự của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các vị khách quốc tế.
Về phía Bộ GTVT, dự buổi lễ có đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Lê Ngọc Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Hồ Nghĩa Dũng – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, các đồng chí Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành.
Tới dự buổi lễ còn có 400 cá nhân điển hình xuất sắc qua các phong trào thi đua, yêu nước từ các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT.
Bộ mặt giao thông ngày càng văn minh, hiện đại
Trong diễn văn chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hành động khẩn trương, quyết đoán của Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời trong việc hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông, là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta, ngay từ đầu, đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giao thông vận tải. Bởi vì như chính Hồ Chủ tịch đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.
“Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, người lao động ngành GTVT đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu, đồng thời khẩn cấp vận chuyển sơ tán các cơ quan, công sở của Trung ương và địa phương vào vùng căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên phủ, ngành GTVT đã sát cánh cùng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đưa vũ khí hạng nặng, lương thực, thuốc men… vào chiến trường.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, chỉ trong vòng 10 năm, ngành đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Những năm đầu thập kỷ 60, các phong trào yêu nước “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... được dấy lên sôi nổi trong toàn Ngành. Lòng yêu nước được phát huy cao độ. Với khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, TNXP đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn để giữ vững mạch máu giao thông đồng thời là hiện thân sống của một loại đường giao thông chỉ có ở Việt Nam, được tạo ra bằng chính xương máu của họ.
Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, ngành GTVT đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với việc tập trung sử dụng hiệu quả 155.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được giao cho giai đoạn 2011-2015, giải ngân 6,2 tỷ USD nguồn vốn ODA, Bộ GTVT đã chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước, huy động được trên 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để hoàn thiện và đầu tư mới hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Nhật Tân. Đầu tư, hoàn thành các cầu có quy mô lớn như Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Bến Thủy 2, Thuận Phước, cầu Rồng, nút giao Ngã Ba Huế, cầu Rạch Chiếc, Cổ Chiên, Năm Căn.
Đầu tư, nâng cấp hoàn thành hàng loạt các công trình cảng biển, cảng hàng không như Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Phú Quốc, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và nâng cấp lên 4 làn xe toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ là hai dự án lớn, rất phức tạp nhưng đều lần lượt vượt tiến độ là 18 tháng và 12 tháng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 10 ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng hơn 134.000 km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
“Những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010) về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014. Hệ thống giao thông Việt Nam từ chỗ biệt lập, manh mún, giờ đây đã có thể tự tin kết nối với khu vực và thế giới, thậm chí nhiều lĩnh vực còn có mức độ tăng trưởng hàng đầu như lĩnh vực hàng không.
Sự kết nối này sẽ còn rộng lớn và hiệu quả hơn bằng một kế hoạch đầy tham vọng trở thành điểm trung chuyển của khu vực trong một tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm đủ lớn và tiếp tục tạo được niềm tin với Đảng và nhân dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xây dựng ngành GTVT đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại
Khẳng định Bộ GTVT đã đạt được những thành tựu rất quan trọng được cả xã hội ghi nhận, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết: So với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của Bộ GTVT, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được.
“Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần phải chân thành và thẳng thắn nói với nhau trong mỗi dịp quan trọng như thế này, để mỗi Đại hội thi đua yêu nước trở thành nơi hội tụ những khát vọng phục vụ Tổ quốc và nhân dân của tất cả chúng ta” – Bộ trưởng nói.
Với tinh thần đó, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành GTVT hãy đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, cùng nhau tận hiến, cùng nhau hăng hái thi đua yêu nước, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển ngành Giao thông vận tải đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu chung “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng.
Nguồn: baogiaothong.vn