Trình bày Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian qua, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang bị quá tải về công suất khai thác của đường cất hạ cánh, quá tải sân đậu máy bay theo tiêu chuẩn của hàng không, quá tải nhà ga hành khách, hạn chế về vùng trời tiếp cận cất hạ cánh…
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, khả năng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thực sự không khả thi, bởi nếu tiến hành mở rộng sẽ phải di dời khoảng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu). Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí quy hoạch, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay của thành phố.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa để khai thác dân dụng nhằm hỗ trợ vấn đề quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng khó khăn. Sân bay quân sự Biên Hòa có nhiệm vụ chiến lược đảm bảo an ninh vùng trời cho khu vực biên giới Tây Nam, khu vực thành phố Hồ Chí Minh, chủ quyền Biển Đông.
Do đó, chủ chương xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là cần thiết để giải quyết tình trạng quá tải cấp bách hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến phân kỳ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được chia thành 03 giai đoạn.
|
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu Ảnh: Nam Nguyen
|
Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236,39 triệu USD, diện tích đất sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha. Đối với đất tái định cư, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư với diện tích 282,3 ha bảo đảm cho các hộ dân dự kiến nằm trong diện thu hồi đất.
Qua ý kiến của địa phương cho thấy, 99,4% hộ dân có đất thu hồi ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án và đề nghị chung của các hộ dân là sớm triển khai Dự án để các hộ dân ổn định cuộc sống.
Các đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đã nghiên cứu rất kỹ các ý kiến phản biện của cử tri, trong đó có các chuyên gia, các nhà khoa học và đã làm rõ hơn những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trên tinh thần cầu thị để hoàn thiện dự án.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai Ảnh: Đình Nam
|
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Trung Quốc-Đồng Nai đồng tình với việc xây dựng dự án này. Tuy nhiên, đây một dự án có chi phí đầu tư lớn, do đó đại biểu đề nghị phải xác định được tầm nhìn chiến lược của dự án. Theo đại biểu, dự án sân bay Long Thành chỉ là một thành phần trong việc xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Do vậy, chúng ta phải bàn thảo một cách chính xác, đưa ra lộ trình hợp lý để nhìn nhận hiệu ứng kinh tế của dự án này.
Đồng tình với chủ chương xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trần Du Lịch-TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương xây dựng là hoàn toàn hợp lý vì trên thực tế không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết việc quá tải của sân bay này. Có thể việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ phải tiến hành sớm hơn lộ trình vì hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất đang gặp nhiều khó khăn về vận chuyển, về bến đỗ và không gian...
|
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Ninh Thuận
|
Cũng đồng tình với chủ chương xây dựng dự án, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Sĩ Cương-Ninh Thuận nhấn mạnh, đây là một dự án lớn liên quan đến nhiều công tác giải tỏa đền bù. Vấn đề cần được quan tâm thích đáng là làm thế nào để không gây khó khăn, thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi, không gây khiếu kiện và phản ứng của người dân làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Hơn nữa, kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án lớn trước đây cho thấy rằng tiến độ triển khai chậm cũng làm đội vốn công trình đáng kể. Bởi vậy đại biểu kiến nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến nội dung này trong quá trình triển khai dự án.
Về quy mô dự án, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại-Bạc Liêu cho rằng đây là một dự án mang tầm chiến lược của đất nước. Chính vì vậy, quy mô của dự án ở đây là quy mô sử dụng đất, ban đầu Chính phủ trình dự án có 5000 ha, nay giảm xuống còn hơn 2000 ha. Như vậy, diện tích dự án giảm hơn gần 1/2 diện tích thì trong tương lai dài, nơi này có đáp ứng yêu cầu trong phát triển giai đoạn 2, giai đoạn 3 và tầm nhìn xa hơn nữa hay không. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan trình dự án cân nhắc, xem xét kỹ để đảm bảo vấn đề này.
|
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại - Bạc Liêu
|
Đại biểu Trần Văn-Cà Mau cho rằng, việc Quốc hội quyết định thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp này sẽ tạo tiền đề để Chính phủ đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và giai đoạn 2011 - 2025, theo Luật đầu tư công để có phương án cân đối các nguồn lực tài chính cho dự án, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trần nợ công đã được Quốc hội quy định. Việc Quốc hội thông qua chủ trương cũng cho phép Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xúc tiến các bước chuẩn bị đầu tư theo luật định một cách kịp thời. Đây là công trình đặc biệt quan trọng quốc gia nên Quốc hội sẽ thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện dự án để thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với dự án.
Nguyễn Phương-Hồ Hương
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội