Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không nghiêm túc, nhìn nhận các sự cố trong thời gian vừa qua là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay; cần chủ động khắc phục những yếu kém, bất cập trong thực hiện các quy trình điều hành, quản lý hoạt động bay; rà soát kỹ đội ngũ cán bộ, nhân viên, chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ nhân viên vi phạm.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác điều tra sự cố điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 29/10/2014; sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) và báo cáo Bộ trước ngày 5/12/2014. Cục thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung và khuyến cáo, khuyến nghị với các cơ quan, đơn vị về nội dung, tài liệu hướng dẫn liên quan đến các văn bản hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tuyệt đối an toàn và tuân thủ các quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tài liệu nêu trên…
Cùng với đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn quản lý điều hành bay; chủ động điều tra, xử lý các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao chất lượng hệ thống quản lý an toàn hàng không; nâng cao nhận thức an toàn hàng không, năng lực quản lý, điều hành bay; hoàn thiện công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao chất lượng kiểm soát viên không lưu, đảm bảo cung cấp an toàn dịch vụ không lưu theo tiêu chuẩn của ICAO; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố gây uy hiếp an toàn bay; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo sự cố theo quy định.
Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; xử lý triệt để các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao nhận thức an toàn hàng không; hoàn thiện công tác đào tạo huấn luyện đối với phi công./.