Hãng hàng không, sân bay đổ lỗi cho nhau
Cuộc họp được tổ chức tại trụ sở Cơ quan Kiểm soát Không lưu (Eurocontrol) với sự tham gia của đại diện các hãng bay, sân bay trong khu vực châu Âu.
Hai bên đã đổ trách nhiệm cho nhau trước tình trạng ngành hàng không châu Âu gián đoạn hoạt động trên diện rộng trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng đột ngột sau dịch Covid-19.
Các hãng hàng không phàn nàn rằng, họ vừa phải chịu sức ép về quy định bồi thường cho hành khách vì chậm trễ, hoãn chuyến vừa phải chịu toàn bộ chi phí khi hoạt động bị gián đoạn như chi phí liên quan tới nguồn cung từ các nhà sản xuất, chi phí liên quan tới sân bay, kiểm soát không lưu, khai thác mặt đất.
Các sân bay thì phản biện rằng, họ không nhận được hỗ trợ từ chính phủ các nước như các hãng hàng không truyền thống.
Ông Olivier Jankovec, Tổng giám đốc hiệp hội sân bay ACI Europe, cho biết: “Một số hãng hàng không giấu sân bay về tình trạng thiếu nhân viên” và gây bất lợi cho tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, ông Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dẫn số liệu chính thức từ sân bay Heathrow, London (Anh) cho biết, thời gian đợi kiểm tra an ninh trên thực tế vượt quá thời gian quy định mà sân bay đặt ra.
Trước đây, khi còn điều hành British Airways, ông Walsh từng là người tranh cãi kịch liệt với sân bay Heathrow.
"Nếu không hoàn tất kiểm tra an ninh cho hành khách đúng giờ thì chuyến bay sẽ phải khởi hành trễ dẫn đến hạ cánh cũng trễ”, ông Walsh cho biết.
Trong bối cảnh này, một loạt các cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu tại châu Âu khiến tình trạng gián đoạn hoạt động của ngành hàng không châu Âu càng thêm trầm trọng. Chẳng hạn cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu đã khiến phần lớn không phận của Pháp phải đóng cửa vào tháng trước.
Tại cuộc họp ngày 5/10, Eurocontrol kêu gọi cần có các biện pháp để giảm thiểu tác động từ các cuộc đình công. Cơ quan này cho rằng nhân viên có quyền đình công nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các chuyến bay hoạt động.
Chật vật tìm giải pháp
Ông Jozsef Varadi, Giám đốc điều hành hãng hàng không Wizz Air cho biết hãng này đã rất chật vật mới có thể tồn tại qua mùa hè qua và đang phải thiết kế lại mô hình vận hành nhằm đảm bảo hãng vẫn có thể duy trì hoạt động dưới hình thức hãng hàng không giá rẻ. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, hãng hàng không này đã tìm mọi cách để tuyển thêm nhân sự.
Một số sân bay châu Âu cũng thực hiện biện pháp tăng lương hoặc thưởng cho người lao động để thu hút nhân sự từng bị giảm biên chế trong dịch bệnh, quay trở lại.
Tuy nhiên, ông Arnaud Feist, Giám đốc điều hành Brussels Airport, thừa nhận ngành hàng không đã giảm sức hút và đây là vấn đề nan giải với nhiều sân bay.
Còn những lao động ở lại đã và đang chịu rủi ro bạo lực lớn chưa từng có do hành khách bức xúc vì tình trạng chậm trễ, gián đoạn, thất lạc hành lý... - bà Livia Spera, Tổng thư ký Liên đoàn Công nhân Vận tải châu Âu cho biết.
Tại cuộc họp của Eurocontrol, Đại diện ngành hàng không châu Âu chưa đưa ra ước tính chi phí cần để cải thiện tình trạng chậm trễ còn các sân bay đang thiếu hụt kinh phí khoảng 7 tỷ Euro (6,98 tỷ USD)./.
(baogiaothong.vn)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.