Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Điện Biên được tập trung nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc sớm đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không đáp ứng quy mô quy hoạch là cần thiết, nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, nâng cao năng lực vận tải hàng không và tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm và năng lợi thế, đặc biệt là về du lịch; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên và miền Tây bắc của Tổ quốc.
Lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hàng không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc đề xuất nghiên cứu đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo hình thức PPP là phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng; tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực cảng hàng không, sân bay; vì vậy, cần nghiên cứu hình thức đầu tư, quản lý và khai thác, trong điều kiện các công trình, tài sản hiện có tại Cảng hàng không Điện Biên đang được quản lý, khai thác bởi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp khác.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổ chức lập hoặc phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo các Nhà đầu tư quan tâm, lập đề xuất Dự án đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên làm cơ sở để xem xét, phân giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện đầu tư, xây dựng theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2018.
Theo Quyết định số 2501 của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn đến năm 2020, dự kiến Cảng hàng không Điện Biên sẽ có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa/năm. Tạo được 3 vị trí đỗ máy bay, trong đó 2 vị trí cho máy bay ATR72, 1 vị trí cho máy bay A320, A321 hoặc tương đương. Đến năm 2030, dự kiến cảng sẽ nâng công suất lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến giai đoạn 2020 sẽ khai thác các tuyến bay theo hướng: Điện Biên – Nội Bài và Điện Biên – Cát Bi và định hướng đến 2030 dự kiến khai thác thêm 2 tuyến bay là: Điện Biên – Đà Nẵng; Điện Biên – Tân Sơn Nhất. Trong tương lai, theo xu hướng Cảng hàng không Điện Biên có thể trở thành Cảng hàng không quốc tế trực tiếp đón, đưa khách từ Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan...
Nguồn: Chinhphu.vn