Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng CHKQT Long Thành

Thứ Năm, 28/07/2016 - 16:20 GMT+7

UBND tỉnh Đồng Nai vừa trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt hàng loạt cơ chế đặc thù để sớm có mặt bằng "sạch" cho dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

Trong Tờ trình gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể đưa vào vận hành CHKQT này giai đoạn I năm 2025 là Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500 ha không chậm hơn đầu năm 2019.
“Bên cạnh việc xây dựng khung chính sách theo Điều 87 Luật Đất đai năm 2013, Đồng Nai xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hỗ trợ đào tạo nghề… để có thể đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng (GPMB)”, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Được biết, đề xuất đặc thù đầu tiên là việc tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng cho phép tách công tác bồi thường, GPMB, tái định cư thành các tiểu dự án và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này. Vì nếu chiểu theo Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014) và Luật Đất đai (2013), sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng mới xem xét cho tách tiểu dự án GPMB, bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Điều này có nghĩa là nhanh nhất cũng phải sau ba năm (2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV). Và tất yếu, CHKQT Long Thành sẽ không thể hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 như yêu cầu của Quốc hội.


Bản đồ quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Theo Tờ trình, Đồng Nai cũng xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB ngay trong năm 2016 để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành; Đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng CHKQT Long Thành được phê duyệt; Áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công hai dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành.
Đồng thời, Đồng Nai xin một loạt hỗ trợ chưa có trong quy định của pháp luật đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; Nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất.
Cụ thể, Đồng Nai xin áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng/ha để bồi thường cho cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, đơn vị dự kiến có khoảng 1.777 ha đất trồng cây công nghiệp nằm trong công địa xây dựng CHKQT Long Thành. Đồng Nai cũng đề nghị quy định hỗ trợ học phí, chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa (đối với trẻ mầm non) cho các đối tượng thuộc hộ gia đình thuộc diện tái định cư hoặc phải di chuyển chỗ ở đang theo học tại tất cả các cấp học; Hỗ trợ mỗi cá nhân thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án một thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ba năm…
Trước mắt, để có nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hai khu tái định cư di dời các hộ dân có tổng kinh phí lên tới 5.440 tỷ đồng, Đồng Nai xin sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng công ty Đầu tư và phát triển kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng và cho phép phát hành Trái phiếu Chính phủ dưới hình thức công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn một năm trở lên, lãi suất của trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
P.V

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website