Xây mới nhà ga, thêm đường lăn, sân đỗ
Hai từ “cấp thiết” được nhà chức trách hàng không Việt Nam dùng để nói về việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục nâng công suất Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất. “Thực tế cho thấy khai thác tại CHKQT Tân Sơn Nhất đã vượt quá khả năng đáp ứng của các công trình hiện có. Ngoài ra, do hạn chế của đường lăn, vệt lăn từ sân đỗ ra đường cất hạ cánh nên năng lực điều hành bay bị ảnh hưởng, thường xuyên tắc nghẽn trên bầu trời vào giờ cao điểm kéo theo việc chậm, hủy chuyến bay. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không, giảm chất lượng phục vụ hành khách và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nói.
Trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15% năm trở lênTrong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15%/năm trở lên. Điều này có nghĩa là tới năm 2025, khi CHKQT Long Thành đi vào khai thác, nhu cầu khai thác ở Tân Sơn Nhất sẽ ở mức khoảng 60 triệu hành khách.
Theo Tờ trình của Cục Hàng không VN, CHKQT Tân Sơn Nhất sẽ được quy hoạch đáp ứng sản lượng hành khách 43-45 triệu khách/năm, với 80-85 vị trí đỗ, đáp ứng khai thác các loại máy bay ATR72, A320, A321, B747, B777/787, A350 và tương đương.
Về khu bay, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên cấu hình của hệ thống đường cất, hạ cánh hiện hữu gồm 2 đường băng cách nhau 365m. Tuy nhiên, sẽ bổ sung 1 đường lăn song song và 2 đường lăn thoát nhanh. Đối với khu hàng không dân dụng, sẽ sử dụng hệ thống nhà ga hành khách hiện hữu với công suất khoảng 28 triệu khách/năm và quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách cảng hàng không này lên 43-45 triệu khách/năm.
ACV ứng vốn triển khai ngay
Dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch khoảng hơn 19,3 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn vay… Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn, thu xếp vốn đầu tư đối với hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn. Vốn sẽ được hoàn từ vốn nhà nước (giữ lại nguồn thu từ phương án cho thuê kết cấu hạ tầng khu bay và tiền cổ tức của nhà nước tại ACV mà Bộ GTVT làm đại diện).
Với các nhà ga hành khách xây dựng mới, ACV cũng được đề xuất chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm. Về hệ thống cải tạo, mở rộng hệ thống đường giao thông bên ngoài kết nối vào nhà ga hành khách, hệ thống mương thoát nước kết nối với khu vực cảng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giao UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, dùng vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho Thành phố.
Do tính cần thiết của việc hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận chuyển gia tăng tại CHKQT Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV được ứng vốn để đầu tư ngay dự án cải tạo đường cất, hạ cánh cùng hệ thống đường lăn, đồng thời cho phép chỉ định thầu các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng (Công ty Tư vấn thiết kế hàng không ADCC và TCT Xây dựng công trình hàng không ACC) là đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công xây lắp các công trình này.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị cho phép sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2017-2019 để Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị phải di chuyển, đóng quân tại sân bay Biên Hòa, tạm bàn giao đất quốc phòng cho hàng không dân dụng.
Khẳng định sự cấp thiết phải nâng cấp khu bay Tân Sơn Nhất, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp này vừa đề xuất triển khai bốn dự án tại khu bay gồm dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 21ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc đường lăn song song, đáp ứng khai thác 8 vị trí đỗ tàu bay; Dự án cải tạo, nâng cấp sân, đường tại khu bay. Nếu được chấp thuận, dự án sân đỗ máy bay 21ha sẽ được khởi công ngay tháng 9/2017 và hoàn thành trong tháng 6/2018.
Đối với dự án cải tạo, nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, thời gian thi công dự kiến 16 tháng, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, 12 tháng đầu tiên sẽ xây dựng mới đường lăn song song và đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh 25L/07R và đường lăn song song hiện hữu trên sân đỗ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 600 tỷ đồng. Trong thời gian thi công, sẽ không phải đóng cửa đường cất, hạ cánh. Máy bay vận hành bình thường trên hai đường cất, hạ cánh và hệ thống đường lăn hiện hữu. Giai đoạn II, sẽ thực hiện cải tạo nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L và các đường lăn nối. Trong thời gian thi công sẽ phải đóng cửa đường cất hạ cánh 25R/07L. Máy bay sẽ chỉ vận hành trên đường băng 25L/07R kết hợp với hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối được xây dựng trong giai đoạn 1 và các đường lăn hiện hữu tại Tân Sơn Nhất.
Nguồn: baogiaothong.vn