Theo đó, việc tổ chức tang lễ đối với người từ trần thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức,viên chức trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức tang lễ phải văn minh, trang trọng, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, của từng vùng, hạn chế,từng bước loại bỏ những tập quan, lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức an tang theo hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương.
Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ, lễ đưa tang và an táng thực hiện trong cùng một ngày (trừ lễ quốc tang). Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu và đảm bảo vệ sinh, được để không quá 48 giờ kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng. Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài.
Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.
Ngoài ra, nghị định quy định rõ, các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng: "Kính viếng", dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do ban tổ chức lễ tang chuẩn bị.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2013 và thay thế nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/ 9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần./.