Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 04/02/2013 - 17:09 GMT+7

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13 đã được Quốc hội Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/02/2013.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng lần này đã tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể như tiếp tục mở rộng và tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là về các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu từ phía các đối tượng bị tác động trực tiếp; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng để xác minh, làm rõ; sửa đổi các quy định có liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Ở Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

Đối với nội dung công khai tài sản,Luật quy định bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1- 1 đến ngày 31- 3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Khi có yêu cầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.

Đối với nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng, Luật Sửa đổi, bổ sung theo hướng phải công khai, minh bạch báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

Doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi; báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; việc lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp; việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cổ phần hóa có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp. Cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp có trách nhiệm công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có).

Một điểm mới đáng chú ý là Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng lần này đã quy định rõ việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, phải công khai, minh bạch công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch đó phải công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh…

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website