Các hãng hàng không giá rẻ EasyJet, Ryanair và WizzAir đã bày tỏ phản đối việc nhóm vận động hành lang chính của ngành hàng không bảo vệ các hãng hàng không đường dài trước biện pháp giám sát của Liên minh châu Âu (EU) liên quan vấn đề phát thải.
Trong một bức thư gửi Ủy ban châu Âu, các hãng hàng không giá rẻ nói trên bày tỏ phản đối kế hoạch của Brussels giám sát các vệt hơi nước của máy bay.
Động thái này là phản ứng đối với phát biểu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) tháng Tư vừa qua kêu gọi EU chỉ điều tra các vệt hơi nước đối với các chuyến bay bên trong EU - chủ yếu do easyJet, Ryanair và WizzAir thực hiện.
Ba hãng hàng không nói trên cho rằng việc loại các chuyến bay đường dài ra khỏi nghiên cứu của Brussels gây hại nỗ lực của EU nghiên cứu tác động của phát thải phi carbon từ máy bay đối với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo các hãng hàng không giá rẻ, động thái này của Brussels sẽ miễn trừ cho hoạt động bay đường dài chiếm 52% phát thải carbon của ngành hàng không, qua đó bảo vệ các hãng hàng không như British Airways.
Bức thư nêu rõ: "Nghiên cứu về phi carbon cho thấy các chuyến bay bên ngoài EU tạo ra các vệt hơi nước đáng kể và có thể có tác động lớn đối với tình trạng ấm lên toàn cầu."
Bức thư nhấn mạnh không có lý do kỹ thuật để miễn trừ báo cáo phát thải phi carbon đối với các chuyến bay ngoài EU. Tranh luận bắt nguồn từ một bức thư của IATA gửi Ủy ban châu Âu cuối tháng Tư vừa qua.
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho rằng việc giám sát tất cả các chuyến bay đi và đến châu Âu sẽ tạo gánh nặng lớn đối với các hãng hàng không, vì vậy ông kêu gọi Brussels chỉ giới hạn các kế hoạch của EU đối với các chuyến bay bên trong châu Âu.
Tuy nhiên, easyJet và các hãng hàng không giá rẻ khác lập luận rằng gánh nặng này cần phải được chia sẻ với tất cả các hãng hàng không đường dài cũng như bay chặng ngắn.
Các quy định mới của EU sẽ yêu cầu các hãng hàng không đánh giá và báo cáo phát thải phi carbon, gồm cả phát thải từ các vệt hơi nước, nitrogen oxide và lưu huỳnh đối với tất cả các chuyến bay cất cánh từ bên trong khối, bắt đầu từ tháng 1/2025.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy các vệt hơi nước có thể gây ra 2/3 phát thải của ngành hàng không góp phần vào tình trạng ấm lên toàn cầu qua việc hình thành các đám mây tầng cao ngăn nhiệt thoát khỏi bầu khí quyển của Trái Đất. Tác động này lớn hơn nhiều so với việc đốt cháy nhiên liệu phản lực.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho rằng trong các điều kiện nhất định, các vệt hơi nước và các phát thải phi carbon khác có thể phản xạ nhiệt của Mặt Trời trở lại vũ trụ, giúp làm mát Trái Đất./.
(TTXVN/Vietnam+)
Hãng hàng không Singapore Airlines sẽ mua 1.000 tấn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) của Neste.
Để hưởng ứng Chiến dịch này, ngày 03/10/2022, Cảng hàng không Phù Cát đã tổ chức các hoạt động với chủ đề “Cảng hàng không Phù Cát – cùng hành động để thay đổi thế giới”.
Các hãng hàng không Mỹ đang sẵn sàng tăng cường mục tiêu khí hậu bằng cách cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là cam kết sẽ được các hãng hàng không toàn cầu thảo luận vào ngày 4/10.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.