Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người phụ nữ Việt Nam luôn là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, đức hy sinh, sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Đã có biết bao tấm gương phụ nữ tiêu biểu cho cuộc “trường chinh” lịch sử đại diện trên các tiền tuyến lớn, hậu phương lớn. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam lại được phát huy cao độ trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Ít ai biết rằng, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có một người phụ nữ nhỏ bé đã đóng góp một phần cuộc sống của mình vào sự phát triển của Ngành trong những năm đầu thành lập. Đó là một trong hai nữ tiếp viên đầu tiên của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Cô tên là Lê Kim Thu (Những năm 1960 - 1970 nữ tiếp viên Hàng không thường được gọi là Chiêu đãi viên hàng không).
Ngày 15/1/1956, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam ra đời và phải đến 4 năm sau, năm 1960 khi các lớp phi công cách mạng đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc trở về thay thế dần các phi công nước bạn Trung Quốc giúp Việt Nam. Hàng không Việt Nam mới có biên chế tiếp viên trên các chuyến bay. Cô Lê Kim Thu vinh dự được phục vụ trên các chuyến chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ đi công tác trong nước và nước ngoài từ năm 1960 -1967. Công việc đặc thù này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn góp phần vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng của dân tộc, của hòa bình và thống nhất đất nước.
Người con Hà Nội
Cô Lê Kim Thu sinh ngày 23/9/1941 tại phố Hàm Long - Hà Nội. Gia đình cô là viên chức thời Pháp. Cha cô là một viên chức nhỏ nhưng giàu lòng yêu nước, ông làm việc tại Sở toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch bây giờ). Năm Ất Dậu khi nạn đói tràn về Hà Nội, chứng kiến cảnh người chết đói đầy đường, gia đình cô đã đưa một số người bị đói, lang thang ngoài phố về nuôi, chờ nạn đói qua đi những người này mới trở về với gia đình quê hương của họ. Năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, gia đình cô rời bỏ Hà Nội tham gia kháng chiến ủng hộ cách mạng.
Lê Kim Thu học xong lớp 8 thì được Bộ Công an chọn, đào tạo về ngoại ngữ và nghiệp vụ. Tháng 7/1960 cô nhận nhiệm vụ làm tiếp viên Hàng không tại sân bay Gia Lâm. (Lúc đó chỉ có đồng chí Đặng Tính - Cục trưởng Cục Không quân và đồng chí Hoàng Thế Thiện - Chính ủy biết các cô là người của Bộ Công an biệt phái sang). Trong thời gian ở Hàng không các cô được học bổ túc văn hóa hết lớp 10 và tiếp tục học thêm tiếng Anh. Sân bay Gia Lâm là sân bay quốc tế lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, được người Pháp khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1946. Là nơi đón đưa Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác. Ngoài ra, còn là nơi đón tiếp các đoàn đại biểu, Chính phủ các nguyên thủ các nước xã hội chủ nghĩa đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong chiến tranh chống Mỹ, vĩ tuyến 17 chia đất nước ta thành 2 miền Nam - Bắc. Để phục vụ cho việc đi lại, thông thương giữa hai miền, Hàng không Việt Nam năm 1963 mở đường bay Hà Nội - Viên Chăn, năm 1964 mở đường bay Hà Nội - Phnôm Pênh để kết nối với miền Nam. Ở miền Bắc các hoạt động bay của Hàng không ngoài việc làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và việc đi lại của nhân dân. Một mạng lưới giao thông Hàng không được mở ra trên miền Bắc với đường bay Hà Nội - Vinh, Đồng Hới; Hà Nội - Nà Sản - Điện Biên mà trọng tâm là sân bay Gia Lâm. Tiếp viên hàng không khi đó phải làm đủ mọi việc từ bán vé, làm vệ sinh máy bay, dọn dẹp nhà ga… ngoài ra, họ còn phải biết võ thuật để có thể sử dụng khi cần thiết.
Những chuyến bay đặc biệt
Trước khi chính thức được tuyển chọn, cô được bay cảm giác lên Điện Biên, cô bị nôn nhưng bằng ý chí và nghị lực cô được tuyển chính thức vào ngành Hàng không. Năm 1960, chuyến bay phục vụ đầu tiên là đưa đoàn chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức sang giúp ta sơn máy bay. Phía Việt Nam có nhiệm vụ đưa đoàn đi thăm Điện Biên Phủ bằng máy bay IL - 14. Cô Lê Kim Thu có nhiệm vụ làm phiên dịch cho đoàn bằng tiếng Anh khi đoàn đi thăm một số địa danh ở Điện Biên như Đồi A1, Mường Thanh, thăm một số danh lam thắng cảnh ở Hà Nội. Cũng trong năm đó, lần đầu tiên cô được phục vụ trên chuyến bay đưa Bác Hồ đi Trạm Giang - Quảng Đông - Trung Quốc. Khi nhìn thấy cô Bác vui lắm, bởi vì lâu nay chưa có tiếp viên Việt Nam nào phục vụ trên máy bay, những chuyến chuyên cơ đều do người Trung quốc và Liên Xô lái và phục vụ. Bác thân mật gọi cô là “bé” mặc dù lúc đó cô đã 19 tuổi. Bác hỏi thăm bé quê ở đâu, bố mẹ làm nghề gì? Bác hỏi:
- Lương tháng của bé được bao nhiêu?
- Cô trả lời: Thưa bác cháu được 33 đồng ạ!
- Thế thì bé giàu quá rồi, bé cho Bác vay nhé.
Đó là kỷ niệm đầu tiên gặp Bác, cô không bao giờ quên. Lúc đó, cô còn để hai bím tóc đuôi sam. Ít lâu sau, cô làm tóc phi dê. Lần sau Bác đi công tác, mới bước lên máy bay, nhìn thấy cô Bác nói:
- A! bé có cái đầu mới nhé.
Ngồi một lúc, Bác nhìn và nói: “Bé phi dê kiểu này được đấy, chứ nhiều cô để tóc xù nhìn như cái nồi đất. Các cô phi dê hay để đầu bẩn lắm đấy”. Lời khen của Bác như lời chỉ bảo ân cần với cô, cô thầm tự nhủ mình là tiếp viên Hàng không, là hình ảnh đầu tiên khi người nước ngoài đến Việt Nam tiếp xúc nên cô ý thức được rằng mình là hình ảnh đại diện cho đất nước, cho dân tộc. Cô kể: Tiếp viên Hàng không khi đó do Ban Thương vụ quản lý. Việc mua sắm trang phục và đồ dùng phục vụ chuyến bay đều do Ban Thương vụ mua. Đặc biệt, trên những chuyến bay phục vụ Bác Hồ thì có thêm phích nước chanh tươi do tiếp viên tự pha trước. Có lần Bác Hồ ăn một chiếc kẹo do Liên Xô sản xuất nhân vị hoa quả chua, Bác cười bảo: “Kẹo này cho bé, chua Bác không ăn được”.
Năm 1962, thời kỳ Hàng không Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào, cô phục vụ chuyến bay chở Chủ tịch mặt trận yêu nước Lào Xuphanuvông đi Bắc Kinh, đón vua Lào Vatthana, Thủ tướng Souvanna Phouma. Ngoài ra, cô còn phục vụ trên chuyến bay đón nhà du hành vũ trụ Giécman Titốp, đưa đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác tại Côn Minh - Trung Quốc, đồng chí Lê Giản đi thăm Quảng Bình, đón Thủ tướng Tiệp Khắc, Rumani và rất nhiều chuyến phục vụ Ủy ban Giám sát Quốc tế Hiệp định Giơnevơ và bạn bè quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Về chiếc huy hiệu của Người
Từ ngày 17-30/10/1961, Đại hội lần thứ 22 Đảng cộng sản Liên Xô họp tại Điện Kremli. Đoàn Đại biểu Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự họp. Sau đó Bác trở về Trung Quốc. Tổ bay IL - 14 nhận được nhiệm vụ sang Bắc Kinh để đón đoàn về nước. Trên chuyến bay, do thời tiết xấu, máy bay phải hạ cánh ở Trịnh Châu. Phía bạn Trung Quốc phải đưa Bác và đoàn đi xe lửa từ Trịnh Châu về Nam Ninh. Chờ khi thời tiết tốt, máy bay của ta lại từ Trịnh Châu bay đến Nam Ninh đưa đoàn về Hà Nội. Lúc đó là đầu tháng 11/1961. Khi về đến sân bay Gia Lâm, Bác nói với phi hành đoàn: “Các cháu đi chuyến này vất vả quá nên bác thưởng huy hiệu cho các cháu”. Vì được phục vụ gần Bác nên đứng trên máy bay, Bác tự tay gắn huy hiệu cho Lê Kim Thu. Khi gắn xong, Lê Kim Thu cảm động nói:
- Cháu cảm ơn Bác ạ!
- Bác nói: Chỉ cám ơn thôi, không thơm à?
- Thơm Bác đi! Đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác nhắc nhở. Cô cảm động thơm lên má của Người.
Khi xuống sân bay, Bác phát huy hiệu cho từng người trong tổ bay. Bác nói: Bác đã đi cùng các cháu nhưng chưa chụp kiểu ảnh nào. Vậy bây giờ Bác cháu ta chụp một kiểu để làm kỷ niệm nhé. Lúc ấy, có một cháu bé đứng gần khu vực đó, Bác vẫy vào chụp ảnh cùng Bác . Cháu bé đó là Thụy Anh, con gái của đồng chí Đinh Kim Thụ trưởng phòng Thương vụ thời bấy giờ. Đây là tấm hình được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và cũng được treo nơi trang trọng trong gia đình nhỏ bé của cô và chiếc huy hiệu cao quý của cô hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ.
Cô Lê Kim Thu cùng tổ bay phục vụ Bác Hồ đi công tác tại Trung Quốc
Cho đến năm 1967 khi cô lập gia đình và mang thai được 2 tháng thì cô nghỉ bay do sức khỏe, Nhưng với lòng yêu nghề vẫn còn sâu sắc, khi sinh con trai đầu lòng, cô đặt tên con là Hải Âu. Đó là tên một loài chim rất đẹp như để nhớ về bầu trời và những chuyến bay. Chồng cô, liệt sỹ Nguyễn Văn Bính, một người con của Thanh Hóa đã đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từng học lớp kỹ sư máy bay tại trường Jucốp (Liên Xô cũ). Năm 1983, khi đang tham gia đoàn Chuyên gia kỹ thuật thuộc đơn vị 478 của Quân đội đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. Sau này, do nhiệm vụ công tác cô lại được phân công sang Bộ Công An cho tới khi nghỉ hưu.
Cô Lê Kim Thu cùng gia đình nhỏ của mình năm 1972
Trưởng thành trong thời kỳ gian khó của đất nước, dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào, cô luôn nêu tấm gương sáng là một người vợ hiền, người chị cả gương mẫu của sáu người em, người mẹ tốt, người con hiếu thảo với bố mẹ, gia đình. Vượt qua mọi vất vả, khó khăn của cuộc sống cô nuôi dạy hai người con trai khôn lớn và trưởng thành. Cô cười với nụ cười hiền và khiêm tốn: Cuộc đời cô có gì mà viết, đến bây giờ cô tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Hơn hết ở cô đó là ý chí quyết tâm, lòng yêu nước, sống có lý tưởng, hoài bão, yêu ngành, yêu nghề để hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù chỉ gắn bó với ngành trong 7 năm nhưng với cô có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Đó là thời kỳ thanh xuân cống hiến hết mình cho công việc và vinh lớn là cô đã nhiều lần được phục vụ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế trong các chuyến công tác, đóng góp một phần sức trẻ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước.
Cô Lê Kim Thu và tác giả tại nhà riêng
Đến nay, ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ở cô vẫn toát lên một sự nhanh nhẹn và ẩn dấu đằng sau những nếp nhăn trên khuôn mặt là nét đẹp dịu dàng của người con gái Hà Nội. Thi thoảng, cô được mời đi nói chuyện tại các buổi giao lưu, tọa đàm ở cơ quan, đơn vị để kể lại các kỷ niệm về các chuyến bay phục vụ Bác Hồ, về kinh nghiệm với những công việc sau này. Chia tay cô trước ngôi nhà nhỏ tại Hà Nội. Cô nhắn nhủ: Thế hệ tiếp viên hàng không thời trước thì khác lắm với tiếp viên bây giờ, các em có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập và phát huy năng lực của mình, làm chủ các máy bay hiện đại, có sức chở lớn, tầm bay xa, có cơ hội đi khám phá nhiều vùng đất mới trên thế giới.Cô mong muốn các thế hệ sau này biết trân trọng quá khứ, sống có lý tưởng, hoài bão và đặc biệt là nghề nghiệp đặc thù mà mình đang theo đuổi để từ đó các em có trách nhiệm với chính mình, với đất nước và góp phần nhỏ bé của mình để ngành Hàng không ngày càng đi lên”
Bài, ảnh: Đàm Ngọc Trinh