Trách nhiệm của chủ đầu tư tại Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Thứ Bảy, 16/02/2013 - 10:54 GMT+7

 Nhằm thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng , Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và Điều 13 (khoản 4), Điều 18, Điều 30 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, ngày 06/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Theo đó, nguyên tắc chung trong quản lý chất lượng công trình xây dựng là phải đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và các công trình lân cận, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xây dựng. Công trình, hạng mục chỉ được nghiệm thu để đưa vào sử dụng khi đáp ứng yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, các chỉ dẫn và yêu khác của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân khi tham gia họat động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc thực hiện, có hệ thống quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện trước chủ đầu tư và trước pháp luật.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng phù hợp với tính chất, quy mô và nguồn vốn đầu tư xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình.

Người quyết định đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức thực hiện quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu theo quy định.

Việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật  quốc gia bắt buộc phải được tuân thủ trong hoạt động xây dựng.  Còn tiêu chuẩn được áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc có quy định bắt buộc phải áp dụng tại văn bản quy phạm pháp luật khác có liển quan. Tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét và chấp thuận trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình và chỉ được thay đổi khi có sự chấp thuận của người quyết định đầu tư. Chủ đầu tư còn được tự quyết định sử dụng hoặc thay đổi đối với các tiêu chuẩn còn lại áp dụng cho công trình khi cần thiết.

Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật phải đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng. Đối với việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, phải có bản gốc tiêu chuẩn kèm theo bản dịch tiếng Việt cho phần nội dung sử dụng.

Trong công tác quản lý khảo sát chất lượng xây dựng, chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực theo quy định; tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án khảo sát kỹ thuật xây dựng và bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng; kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng của nhà thầu khảo sát xây dựng trong quá trình thực hiện khảo sát; tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với loại hình khảo sát để thực hiện giám sát công tác khảo sát  xây dựng; nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.

Đối với công tác quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình trên cơ sở báo cáo xây dựng công trình hoặc chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực để lập thiết kế và thẩm tra thiết kế xây dựng công trình khi cần thiết; kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng của nhà thầu thiết kế, nhà thầu thẩm tra thiết kế trong quá trình thực hiện hợp đồng; kiểm tra và trình thiết kế cơ sở cho người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật đối với công trình sử dụng nguồn vốn của nhà nước; tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế-dự toán; thực hiện thay đổi thiết kế theo quy định tại Điều 22 của Nghị định; tổ chức nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình.

Trong công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điểu kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình và các công viềc tư vấn xây dựng khác; thông báo về nhiệm vụ quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện; kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; kiểm tra việc huy động và bố trí nhân lực của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình so với yêu cầu của hợp đồng xây dựng; kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công xây dựng công trình; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức kiểm định, nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn thành xây dựng công trình; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công khi xét thấy chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn…

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2013. Đối với các công trình đã thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình công trình trước thời điểm nghị định có hiệu lực  thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành công trình.

Đối với các quy định sử dụng thông tin năng lực để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được quy định tại khoản 3- Điều 8 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2013.

Trong thời gian chưa ban hành văn bản hướng dẫn về phân cấp các loại công trình xây dựng, Nghị định cho phép tiếp tục áp dụng theo quy định hiện hành cho đến khi ban hành các quy định mới./.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website