Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Thứ Sáu, 22/11/2013 - 10:11 GMT+7

 Ngày 15/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 183/2013/NĐ-CP về "Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam".

Theo đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có tên gọi dầy đủ là TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM, là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, được tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con. Tên giao dịch quốc tế là VIETNAM AIRLINES COMPANY LIMITED. Tên gọi tắt là Vietnam Airlines.


VIETNAM AIRLINES có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước; có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác bằng toàn bộ tài sản của mình; chịu trách nhiệm dân sự và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chỉ sở hữu đối với các công ty con và công ty liên kết trong phạm vi số vốn do VIETNAM AIRLINES đầu tư; có quyền sở hữu, định đoạt đối với tên gọi, thương hiệu, biểu tượng riêng theo quy định của pháp luật.

Vietnam Airlines có trụ sở chính tại số 200, phố Nguyễn Sơn, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.

Ngành, nghề kinh doanh chính của Vietnamairlines được quy định theo Nghị định này gồm:
Vận chuyển hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư; hoạt động hàng không chung; bay phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; Bảo dưỡng tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư, thiết bị hàng không và các thiết bị kỹ thuật khác; sản xuất linh kiện, phụ tùng, vật tư tàu bay, trang thiêt bị kỹ thuật và các nội dung khác thuộc lĩnh vực công nghiệp hàng không; cung ứng các dịch vụ kỹ thuật và vật tư phụ tùng cho các hãng hàng không trong nước và nước ngoài; xuất, nhập khẩu tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư, thiết bị hàng không (thuê, cho thuê, thuê mua và mua, bán) theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn được thực hiện các ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: Vận tải đa phương thức; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; các dịch vụ tại nhà ga hành khách, ga hàng hóa và các dịch vụ phục vụ sân đỗ tại các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ giao nhận hàng hóa; sản xuất, chế biến, xuất, nhập khẩu thực phẩm để phục vụ trên tàu bay, các trang thiết bị phục vụ dây chuyền vận tải hàng không; Đầu tư và khai thác hạ tầng kỹ thuật tại các sân bay: Nhà ga hành khách, hàng hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các trang thiết bị phục vụ dây chuyền vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyển vận tải hàng không;  Xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng, dầu, mỡ hàng không, chất lỏng chuyên dùng và xăng dầu khác tại các cảng hàng không sân bay và các địa điểm khác; Dịch vụ đại lý cho các hãng hàng không, các nhà sản xuất tàu bay, động cơ, thiết bị, phụ tùng vật tư tàu bay, các công ty vận tái, du lịch trong nuớc và nước ngoài; cung ứng dịch vụ thương mại, du lịch, khách sạn, bán hàng miễn thuế tại nhà ga hàng không và tại các tỉnh, thành phố; các dịch vụ hàng không khác.

Cũng theo Nghị định này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải thực hiện thoái vốn đối với những ngành, nghề không thuộc quy định trên theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2013.

Nghị định được ban hành kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2014. Đồng thời, bãi bỏ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Vỉệt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định trước đây trái với Nghị định này./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website