Theo đó, đối tượng áp dụng là Người sử dụng lao động, người lao động, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công; Đơn vị sử dụng lao động không được đình công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm: Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia; Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas; Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải; Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước; Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương và Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng Việt Nam, các đơn vị sau nằm trong Danh mục “Đơn vị sử dụng lao động không được đình công” được quy định tại Nghị định gồm:Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Các cảng hàng không: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23/6/2013.
Nghị định số 122/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công và Nghị định số 28/2011/NĐ-CP ngày 14/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục doanh nghiệp không được đình công ban hành kèm theo Nghị định số 122/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực./.