Bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam

Thứ Tư, 24/09/2014 - 16:32 GMT+7

 Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BGTVT về việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam.

Theo đó, nhiên liệu hàng không (Aviation fuel) là nhiên liệu dùng cho tàu bay có động cơ tuốc -bin phản lực, tuốc – bin cánh quạt (gọi tắt là nhiên liệu phản lực) và tàu bay sử dụng xăng  Avgas.
Nhiên liệu phản lực tuốc bin hàng không Jet A-1 phải đáp ứng các văn bản hiện hành của TCVN 6426 và tiêu  chuẩn của tài liệu JIG (Joint inspection Group) đối với nhiên liệu hàng không. Khi các yêu cầu chất lượng của tài liệu JIG có thay đổi mà TCVN 6426 chưa kịp cập nhật thì phải áp dụng các thay đổi của JIG để kiểm soát chất lượng nhiên liệu Jet A-1.
 
alt image
 
Xăng tàu bay (Avgas-100 và 100LL) phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo phiên bản hiện hành của Def  Stan 90 -9 (Anh) và ASTM D 910 (Mỹ).
Việc thiết kế, xây dựng, cải tạo kho nhiên liệu hàng không, bể chứa, trạm tiếp nạp, hệ thống đường ống khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp hoặc sửa chữa  phải được áp dụng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành  hoặc quy chuẩn quốc tế tương đương được quy định tại Thông tư này và phải được Cục HKVN chấp thuận.
Kho nhiên liệu hàng không phải đảm bảo tiếp nhận hết lượng hàng theo kế hoạch đã định và cấp phát liên tục, phục vụ nhu cầu kinh doanh, đảm bảo an toàn chất lượng nhiên liệu theo nguyên tắc: bể đang cấp phát phải độc lập hoàn toàn  với các bể đang ổn định, chờ cấp phát và bể đang tiếp nhận hoặc chờ tiếp nhận. Các kho nhiên liệu hàng không phải có trạm xử lý các chất thải, phải có hệ thống thu gom, xử lý dầu thải, dầu tràn, nước có khả năng nhiễm dầu và phải được xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; phải có sơ đồ bố trí vị trí bể chứa, trạm tiếp nhận, trạm cấp phát, hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu, ký hiệu nhận biết các van. Các kho nhiên liệu đầu nguồn, kho trung chuyển, kho sân bay  và trên hệ thống công nghệ xuất nhập của kho phải có thiết bị lọc nhiên liệu theo tiêu chuẩn quy định tại phụ lục của Thông tư này.
Các phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không  được thiết kế với mục đích sử dụng các sản phẩm dầu mỏ và có cấu tạo phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn; có bố trí van thông khí cho xi téc, các van điều áp phù hợp, bơm tuần hoàn để kiểm tra áp xuất thủy tĩnh, hệ thống điện phù hợp với yêu cầu của từng  vị trí, hệ thống phanh khí nén, có các công tắc ngắt khẩn cấp bố trí bên ngoài xe. Các xe tra nạp nhiên liệu phải là xe sử dụng động cơ điêzen hoặc động cơ điện. Mỗi phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không chỉ được sử dụng để tra nạp một loại nhiên liệu và phải có ký hiệu phân biệt chủng loại (theo mã màu EI) được niêm yết ở hai bên thành xe, trên bảng điều khiển và tại các họng nhập nhiên liệu vào xe.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2014 và thay thế Thông tư số 01/2012/TT-BGTVT ngày 09/01/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam./.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website