Mục đích của Hội nghị nhằm báo cáo các kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT; tạo cơ hội để các nhà khoa học gặp gỡ trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ GTVT; đồng thời đề xuất các nội dung hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực công nghệ GTVT.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ GTVT nhấn mạnh việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải với tốc độ nhanh, đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đồng thời phải đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường là mục tiêu của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Vụ trưởng Vụ TCCB phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Trần Văn Lâm, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi nỗ lực to lớn của Nhà nước và của Ngành GTVT từ huy động vốn đầu tư, chuẩn bị các dự án, tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia, trong đó có vai trò và trách nhiệm to lớn của đội ngũ những người làm công tác Khoa học công nghệ.
“Thực tế và kinh nghiệm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam và thế giới đã chỉ ra rằng, chất lượng và hiệu quả của những công trình, sản phẩm của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải luôn đi đôi với hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng, sản xuất” - ông Trần Văn Lâm cho biết.
Ông Trần Văn Lâm đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học cần tập trung thảo luận vào vấn đề đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; Ưu tiên lựa chọn các công nghệ xây dựng công trình, chế tạo sản phẩm ngành GTVT thân thiện môi trường; Ứng dụng khoa học trong phát triển vận tải, đẩy mạnh Logicstics; Đào tạo đội ngũ nhân lực KHCN chất lượng cao và chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là chất lượng của các tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, chuyên gia thí nghiệm…
PGS.TS Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, những năm gần đây hạ tầng giao thông Việt Nam được đầu tư mạnh, phát triển với tốc độ nhanh, nhiều công trình giao thông có qui mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật cao được xây dựng với việc áp dụng các loại vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới trong thiết kế, thi công, quản lý vận hành khai thác, kiểm định đánh giá chất lượng công trình giao thông….
PGS.TS Đào Văn Đông cho rằng, những tiến bộ đó không thể không nói tới vai trò của KHCN, vai trò của đội ngũ các nhà khoa học, một yếu tố quan trọng, tích cực, tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành GTVT đi tắt, đón đầu, chủ động giải quyết về kỹ thuật, rút ngắn thời gian thi công, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
“Hội nghị Khoa học công nghệ Giao thông vận tải lần thứ III là một cơ hội quý để các nhà khoa học của Nhà trường, cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước được báo cáo các kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực GTVT góp phần phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam” - PGS.TS Đào Văn Đông nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, sau Phiên khai mạc toàn thể là các báo cáo, thảo luận tại 5 Tiểu ban gồm: Đường bộ - vật liệu - ATGT; Địa kỹ thuật - nền móng - công trình ngầm; Kết cấu - ô tô - môi trường; Kết cấu - cầu; Cơ khí - ô tô - môi trường và Kinh tế - vận tải. Nội dung của các báo cáo khoa học tập trung vào các lĩnh vực chính, đó là công nghệ kỹ thuật giao thông; cơ khí giao thông, ô tô, tự động hóa, vận tải, ATGT và môi trường.
(mt.gov.vn)