Theo đó, để đạt được mục tiêu chung của Tái cơ cấu, ngành GTVT cần tập trung vào các lĩnh vực trụ cột sau đây: Tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển GTVT: Đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước; Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải; Đẩy mạnh cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và phấn đấu giảm 20% trở lên các thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực giao thông vận tải.
Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án; Đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch; Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; Khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; Tăng cường nâng cao hiệu quả vận tải; Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; Phát triển nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Bộ GTVT giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo, Cục HKVN là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành GTVT với nhiệm vụ là: xây dựng Đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng không Việt Nam; Xây dựng kế hoạch huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm ngành hàng không; Xây dựng chương trình đầu tư nâng cao năng lực và trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện, đặc biệt là đào tạo phi công, kiểm soát viên không lưu./.