Thủ tướng khẳng định xây sân bay Long Thành là cần thiết

Thứ Tư, 15/01/2014 - 12:39 GMT+7

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của 11 vị đại biểu Quốc hội. Đây là các chất vấn mà Thủ tướng Chính phủ chưa trả lời trực tiếp tại kỳ họp thứ 6 vừa qua do không đủ thời gian. Tại văn bản này, Thủ tướng khẳng định, việc xây sân bay Long Thành là cần thiết để bổ sung và dần thay thế sân bay Tân Sơn Nhất.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn: “Vì sao có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và vì sao sân bay Biên Hòa, Cần Thơ và một số sân bay khác còn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả lại đầu tư sân bay Long Thành?”, Thủ tướng Chính phủ trả lời: “Theo đề nghị của các bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội, TP.HCM về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp quy hoạch chung của hai TP. Thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất. Trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường”.
Về việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa. Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340m). Do đó việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi. Mặt khác, vị trí rất gần với sân bay quân sự Biên Hòa nên việc sử dụng đồng thời hai sân bay sẽ bị hạn chế bởi năng lực của vùng trời, đặc biệt khi tần suất khai thác ngày càng cao”.
Theo Thủ tướng, cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ TP.HCM ngày càng tăng, bổ sung cho cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã có trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cả nước. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục lập báo cáo đầu tư để trình Hội đồng thẩm định nhà nước trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua thì mới triển khai các thủ tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện.
Sân bay quốc tế Long Thành  nằm trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng sân bay quốc tế Long Thành trở thành CHKQT quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là CHKQT lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế.
Công tác khảo sát, quy hoạch vị trí CHKQT Long Thành đã được thực hiện từ năm 2004. Vị trí được chọn đã đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp cho việc hình thành CHKQT trung chuyển. Vị trí của Sân bay quốc tế Long Thành cũng đảm bảo đủ diện tích (5.000 hécta) để xây dựng một CHKQT mới, hiện đại có công suất từ 80-100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh.
Việc đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành dự kiến sẽ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2020) đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, hỗ trợ việc quá tải của CHKQT Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 (đến năm 2030): nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ nâng công suất CHKQT lên 100 triệu hành khách/năm.
Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của CHKQT Long Thành có tổng mức đầu tư vào khoảng 7,8 tỷ đôla Mỹ. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, nhu cầu đầu tư trước mắt sẽ cần khoảng 5,6 tỷ đôla Mỹ đã có thể xây dựng ngay 1 đường cất hạ cánh và nhà ga để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách vào năm 2022.
Giải pháp về vốn cho việc xây dựng CHKQT Long Thành, trong báo cáo trình Chính phủ được Bộ Giao thông - vận tải ghi rõ, nguồn vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư./.
                                                                   (giaothongvantai.com.vn)
 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website