Giải ngân chậm
Ông Mutsuya Mori cho biết, tình hình giải ngân các dự án giao thông sử dụng vốn vay JICA đang rất chậm. Dự kiến con số giải ngân trong tài khóa 2013 lên tới 115 tỷ yên, tuy nhiên 3 tháng chỉ thực hiện được 12 tỷ yên, chiếm khoảng 10%.
“Gần như toàn bộ 20 dự án giao thông sử dụng vốn của JICA đều chậm, trong đó có nhiều dự án lớn như QL3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, nhà ga T2, đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây… Từ nay đến cuối năm tài khóa, số vốn cần giải ngân còn hơn 100 tỷ yên nữa. Đây là con số rất lớn. Để hoàn thành kế hoạch đòi hỏi sự nỗ lực lớn và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan”- Mutsuya Mori nói.
Ông Mutsuya Mori cũng cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân các công trình giao thông chậm. Đầu tiên là những vướng mắc trường kỳ trong công tác GPMB. Hiện nay, nhiều dự án dù đã triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, làm chậm tiến độ và đội tổng mức đầu tư như: cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân – Nội Bài, một số cầu trong dự án Tín dụng ngành GTVT giai đoạn 2, đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây,… Nguyên nhân thứ hai là tình trạng thiếu vốn đối ứng. Vốn xây lắp đủ, vốn đối ứng thiếu khiến tiến độ nhiều công trình bị chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Cuối cùng là công tác thanh quyết toán, quản lý hợp đồng chậm và nhiều vướng mắc. Một số dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều năm như cầu Bãi Cháy, Thanh Trì nhưng vẫn chưa thanh toán hết cho nhà thầu. Đường Vành đai 3 giai đoạn 2 dù các nhà thầu đã làm rất tốt, áp dụng nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình khai thác sớm, phát huy hiệu quả lớn nhưng việc thưởng tiến độ vẫn chưa hoàn tất.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại buổi họp, hầu hết các chủ đầu tư đều thừa nhận kết quả giải ngân chưa như mong muốn. Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, công tác GPMB ảnh hưởng lớn đến cầu Nhật Tân. Dù công trình đã thi công được nhiều năm nhưng Hà Nội vẫn chưa giao hết mặt bằng. Hiện dự án còn vướng 163 hộ. Trong đó, 53 hộ đã áp được giá, còn lại 110 hộ vẫn chưa thực hiện được. “Thời gian qua, cơ chế chính sách trong GPMB của Hà Nội có nhiều thay đổi nên việc GPMB các hộ dân này càng nan giải”- ông Vân nói.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, hầu hết các gói thầu của đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây đều đã đạt được tiến độ khoảng 80 – 90% và hoàn toàn có thể xong vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, đoạn tuyến qua Tp.HCM vẫn còn vướng nhiều mặt bằng. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ quyết liệt giải phóng trong thời gian tới nhưng việc chậm trễ trong những năm qua đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công trình. Đối với dự án Bến Lức – Long Thành, trước đây các nhà tài trợ lo ngại không đủ vốn đối ứng và cân nhắc sẽ dừng dự án. Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp trước cho dự án 500 tỷ đồng để thực hiện GPMB nên cũng tháo gỡ được nhiều khó khăn. VEC phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ khởi công tuyến cao tốc này.
Vấn đề thiếu vốn đối ứng cũng ảnh hưởng nhiều tới dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo cầu yếu giai đoạn 2. Ông Lê Xuân Sinh, Tổng giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, nhu cầu của Ban QLDA 6 về vốn đối ứng trong năm 2013 để giải ngân lên tới 140 tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến nay đơn vị mới được cấp vỏn vẹn 30 tỷ đồng.
Không đổ lỗi cho khách quan
Yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc để chậm trễ trong công tác giải ngân các dự án trước hết trách nhiệm thuộc về chính các chủ đầu tư, ban QLDA. “Từ khâu chuẩn bị dự án, phối hợp GPMB đến thi công các dự án thời gian qua đều chưa thực hiện tốt. Trong lúc các nguồn vốn khó khăn, các dự án ODA của JICA mới giải ngân được 10% là không thể chấp nhận được” – Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngoài nguyên nhân do chủ đầu tư, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc tại các dự án chưa thực sự kịp thời. Công tác phối hợp của Bộ GTVT, các ban QLDA với JICA còn chậm. Điều này cần khắc phục triệt để trong những tháng cuối năm. “Chính phủ mới đây đã có Nghị quyết về việc đảm bảo đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Vụ KHĐT phải đảm bảo cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án đang triển khai. Từng đồng chí Thứ trưởng phụ trách các dự án phải làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư để làm rõ nguyên nhân và xử lý triệt để. Dự án nào chậm tiến độ, trước hết đồng chí Thứ trưởng đó phải chịu trách nhiệm”- Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu./.
(giaothongvantai.com.vn)