Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

Thứ Sáu, 23/11/2012 - 23:48 GMT+7

 Ngày 24/8/2012 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định số 2022/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

 

Ngày 24/8/2012 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định số 2022/QĐ-BGTVT phê duyệt (Tổng công ty) với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY
1. Mục tiêu:
- Phát huy thế mạnh là doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong vùng trời quốc gia để xây dựng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có uy tín, trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Các dịch vụ do Tổng công ty cung cấp phải phù hợp với tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tuân thủ các quy định của Nhà nước Việt Nam về quản lý vùng trời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước kết hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng hàng không thế giới và khu vực; lấy nghiên cứu, ứng dụng và tiếp thu, chuyển giao công nghệ làm trọng tâm thúc đẩy dịch vụ đảm bảo hoạt động bay phát triển.
2. Yêu cầu:
- Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất gọn nhẹ, hợp lý, có hiệu quả. Tập trung vào phát triển dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bên cạnh đó tận dụng các nguồn lực có sẵn để phát triển một số dịch vụ khác một cách hợp lý, phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
-Duy trì và nâng cấp các trang thiết bị phụ trợ dẫn đường, thông tin liên lạc, radar giám sát hiện tại phù hợp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các hãng hàng không. Đồng thời, triển khai đầu tư có lựa chọn hệ thống thông tin dẫn đường, giám sát và quản lý điều hành bay mới của ICAO (CNS/ATM mới) với hướng tiếp cận thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới.
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có đủ về số lượng với chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Xác định đúng cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của chuyên ngành bảo đảm hoạt động bay.
II. NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY
1. Về ngành nghề kinh doanh, sản phẩm, thị trường:
Giữ vững và nâng cao thương hiệu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong vùng trời quốc gia. Đồng thời, đầu tư, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp hàng không phù hợp với năng lực, điều kiện của Tổng công ty và nhu cầu của xã hội.
Tổng công ty triển khai đồng bộ chiến lược về sản phẩm, thị trường và các giải pháp thực hiện, cụ thể như sau:
a) Đối với lĩnh vực không lưu:
Tăng cường năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ không lưu chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO, phục vụ điều hành bay an toàn, điều hòa và hiệu quả với khả năng thông qua của toàn hệ thống đến 600.000 lần chuyến/năm vào năm 2015 (với dự báo mức tăng trưởng sản lượng điều hành bay bình quân khoảng 7%/năm).
- Điều chỉnh khu vực trách nhiệm của các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay theo lưu lượng và tính chất hoạt động bay. Phân chia lại khu vực trách nhiệm của các Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội và Hồ Chí Minh, các cơ sở kiểm soát tiếp cận vùng Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tổ chức hoạch định vùng trời cho môi trường CNS/ATM, phù hợp với Quy hoạch mạng Cảng hàng không, sân bay và công tác quản lý không lưu mới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường hàng không theo hướng xây dựng các đường bay một chiều, song song cả nội địa và quốc tế nhằm giảm thời gian bay và tắc nghẽn trên không.
b) Đối với lĩnh vực thông tin, dẫn đường, giám sát:
- Xây dựng hệ thống quản lý hoạt động hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường, giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ các vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam với độ chính xác và tin cậy cao.
- Duy trì liên lạc VHF là phương tiện chính, thiết lập mới hoặc thay thế từng phần các thiết bị VHF A/G, HF A/G từ năm 2020, đảm bảo dự phòng về trạm thông tin trong các phân khu và trong điều kiện khẩn nguy. Từng bước áp dụng có chọn lọc công nghệ liên lạc dữ liệu VHF và nối mạng viễn thông hàng không (ATN) trong hai vùng thông báo bay. Mở rộng và tăng cường năng lực của mạng thông tin vệ tinh điểm đối điểm trên tuyến trục (Bắc - Trung - Nam) và đi/đến các trạm thông tin, các cảng hàng không nội địa.
- Xây lắp các đài dẫn đường mới, thay thế các đài dẫn đường cũ tại các sân bay và các điểm trọng yếu trên hệ thống các đường bay bằng phương tiện dẫn đường DVOR/DME nhằm mở rộng và tăng cường diện phủ sóng phù trợ dẫn đường hàng tuyến và đi/đến các sân bay. Từng bước tiếp cận công nghệ dẫn đường mới theo lộ trình áp dụng dẫn đường theo tính năng (PBN). Tiếp tục duy trì đài dẫn đường vô hướng (NDB) đến năm 2020 và loại bỏ theo vòng đời thiết bị, không thực hiện đầu tư lắp đặt mới.
- Hệ thống hạ cánh chính xác bằng thiết bị ILS vẫn được sử dụng chủ yếu. Áp dụng phương thức tiếp cận chính xác GBAS CAT-I tại một số hướng hạ cánh của các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và từng bước áp dụng tại các sân bay khác trên toàn quốc sau năm 2015.
- Duy trì và tăng cường năng lực hệ thống giám sát hàng không theo công nghệ truyền thống (Radar); từng bước tiếp cận công nghệ giám sát mới phù hợp với tiến độ của ICAO. Triển khai các trạm ADS-B mặt đất, tiến tới hoàn thành phủ sóng ADS-B trên toàn quốc sau năm 2020.
c) Đối với lĩnh vực khí tượng:
 Lập mạng cơ sở dữ liệu khí tượng (kết nối, trao đổi, lưu trữ số liệu và các dữ liệu khác) kết hợp với việc xây dựng mô hình dự báo khí tượng hàng không theo phương pháp số trị tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng.
d) Đối với lĩnh vực thông báo tin tức hàng không:
Đến năm 2015 chuyển đổi từ Dịch vụ thông báo tin tức hàng không (AIS) sang Quản lý thông báo tin tức hàng không (AIM), xây dựng và quản lý Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về địa hình và chướng ngại vật hàng không (eTOD), hoàn thành vào năm 2020.
đ) Đối với lĩnh vực tìm kiếm - cứu nạn:
Giám sát hoạt động bay và sẵn sàng xử lý, cung cấp thông tin, điều hành kịp thời khi xảy ra tình huống tàu bay gặp tai nạn trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; phối hợp với các cơ quan đơn vị khác khi có xảy ra tai nạn trong phạm vi cả nước nhằm giảm thiểu rủi ro về người và tài sản.
Đầu tư xây dựng Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không và Ứng phó khẩn nguy hàng không quốc gia đáp ứng nhu cầu về công tác tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không theo quy định của Chính phủ.
e) Đối với lĩnh vực công nghiệp hàng không:
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp hàng không được Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty tập trung đầu tư và phát triển các lĩnh vực chủ yếu sau:
- Sản xuất các sản phẩm kỹ thuật chuyên ngành (đèn hiệu hàng không, biển báo, thiết bị dẫn đường...) thay thế nhập khẩu, từng bước thỏa mãn nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
- Nghiên cứu chế tạo và tiến tới sản xuất các sản phẩm máy móc, dụng cụ, thiết bị, phần mềm... cung cấp cho nhu cầu của ngành Hàng không dân dụng và từng bước tiếp cận thị trường chung.
- Tự đảm đương toàn bộ công tác đo lường, bảo trì, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị và cung cấp các dịch vụ khác trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, mở rộng phạm vi hoạt động đến các đơn vị khác trong ngành hàng không.
2. Về các dự án đầu tư:
- Xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng như theo yêu cầu của ICAO, đảm bảo đầu tư đồng bộ, có phân nhóm theo thứ tự ưu tiên.
- Rà soát nguồn lực hiện có để tận dụng tối đa năng lực hiện có về đất đai, tài sản, thiết bị kỹ thuật. Không đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao khác.
- Nghiên cứu, lựa chọn đối tác phù hợp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh, năng lực quản trị, công nghệ hiện đại để hợp tác đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thương mại. Chỉ thực hiện đầu tư khi đảm bảo cân đối nguồn vốn hợp pháp, hiệu quả và không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
3. Về tài chính:
- Đánh giá lại hiệu quả vốn đầu tư tại tất cả các đơn vị để sử dụng tối ưu các nguồn vốn: vốn của doanh nghiệp, vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn từ các nhà đầu tư khác.
- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cơ chế về tài chính, thực hiện các phương án nhằm đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng quản lý bay và tăng vốn điều lệ.
- Việc huy động vốn chỉ thực hiện khi các nguồn vốn của Tổng công ty không đáp ứng được nhu cầu đầu tư cấp bách của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo có phương án trả nợ khả thi, có hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
4. Về mô hình tổ chức:
- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bao gồm: công ty mẹ và các công ty con, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận chung của Tổng công ty.
- Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong vùng trời quốc gia.
- Việc hình thành các công ty con để đảm bảo đủ tiêu chí về số lượng đơn vị thành viên của mô hình Tổng công ty sẽ được nghiên cứu, thực hiện vào thời điểm thích hợp.
5. Về nguồn nhân lực:
- Đẩy mạnh bổ sung, đào tạo mới, đào tạo lại tại các cơ sở trong và ngoài nước, đảm bảo có đội ngũ lao động đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý và sản xuất kinh doanh.
- Hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực trong toàn Tổng công ty trên quan điểm tập trung ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng lao động quan trọng là kiểm soát viên không lưu và cán bộ kỹ thuật, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp. Lực lượng kiểm soát viên không lưu 100% có trình độ tiếng Anh đạt tiêu chuẩn do ICAO quy định. Khuyến khích kiểm soát viên không lưu học tập nâng cao trình độ, phấn đấu đạt từ 35% - 40% có trình độ đại học tiếng Anh.
- Đa dạng hóa các hình thức, phuơng thức đào tạo: ngắn hạn, dài hạn, trong nước và nước ngoài, đào tạo theo trường lớp và tự đào tạo. Song song với việc phát triển cơ sở đào tạo, huấn luyện của Tổng công ty, phải tận dụng tối đa năng lực, khả năng đào tạo của các cơ sở trong nước như Học viện Hàng không Việt Nam. Chú trọng công tác đào tạo huấn luyện mũi nhọn, đặc biệt là lực lượng lao động chuyên ngành quản lý bay, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ xây dựng, khai thác các hệ thống kỹ thuật chuyên ngành mới.
6. Nâng cao năng lực về công nghệ và quản trị doanh nghiệp:
- Tăng cường áp dụng những chuẩn mực quản trị kinh doanh hiện đại, hiệu quả. Kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý của Tồng công ty để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phù hợp.
- Kiện toàn bộ máy quản lý khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên. Hợp tác với đối tác trong nước và nước ngoài trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quá trình đổi mới trang thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Xây dựng hệ thống quản lý an toàn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong giai đoạn từ 2012 đến 2015.
- Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, triển khai mạng WAN trên  quy mô toàn Tổng công ty, trên cơ sở đó xây dựng các ứng dụng về quản trị nguồn nhân lực, văn bản điện tử, giao ban trực tuyến... nhằm giảm chi phí quản lý và tăng cường hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong Tổng công ty.
- Tăng cường công tác quản lý vốn và người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết, doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty; hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN  
1. Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện tái cơ cấu về mô hình tổ chức.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện Đề án và kiến nghị Lãnh đạo Bộ biện pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Vụ Tài chính:
Chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện tái cơ cấu về tài chính.
3. Vụ Kế hoạch - Đầu tư:
Chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, phù hợp khả năng, nguồn lực của Tổng công ty.
4. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức thực hiện các nội dung Đề án.
5. Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam:
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam theo nội dung Đề án đã được phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của các cơ quan liên quan.
- Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định hiện hành.
- Định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu; kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh để Bộ giải quyết theo thẩm quyền.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, đối với những nội dung của Đề án không còn phù hợp, kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải để được xem xét, giải quyết.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website