Khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chiều 15/2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã thông báo kết quả thanh sát về năng lực giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam được FAA thực hiện vào cuối năm 2018.
"Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho Việt Nam, cho Hoa Kỳ và quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau" - Đại sứ Daniel J. Kritenbrink mở đầu và xin phép đọc thông báo trang trọng về sự kiện này.
"Tôi rất hân hạnh thông báo rằng Việt Nam đã đạt được quy chế cấp 1 về an toàn hàng không. Điều này có nghĩa cơ quan quản lý hàng không Hoa Kỳ xác nhận Cục Hàng không Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về giám sát an toàn. Hôm nay tôi rất vui mừng được trao cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chứng nhận chính thức của FAA" - đại sứ Daniel J. Kritenbrink nói.
Theo đại sứ Daniel J. Kritenbrink, bước tiến quan trọng trong con đường tiến tới thực hiện đường bay thẳng giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ này là kết quả nhiều năm làm việc của Cục Hàng không Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hãng Boeing.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá sự kiện Cục Hàng không Việt Nam đạt CAT 1 của FAA về giám sát an toàn là điều được ngành Hàng không, Bộ GTVT mong mỏi từ lâu.
Đây là một thành tựu quan trọng và là kết quả nhiều năm làm việc tích cực của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT. Với việc đạt được CAT 1 của FAA là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, đây là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không, khẳng định Việt Nam đã hội nhập thành công, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế; khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành Hàng không Việt Nam, của Bộ GTVT mà của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
CAT 1 - Điều kiện bắt buộc để mở đường bay tới Mỹ
Theo quy định của Mỹ, nếu quốc gia nào bay đến Mỹ, bên cạnh sự giám sát an toàn của ICAO thì phải đáp ứng được Chương trình thanh sát (IASA - International Aviation Safety Assessment) của FAA.
IASA của FAA vẫn được thực hiện đánh giá theo quy định của ICAO. Tuy nhiên, họ vẫn thực hiện thanh sát để khẳng định những quốc gia đó đáp ứng được yêu cầu của ICAO hay không.
Cũng như ICAO, đối tượng thanh sát của FAA là nhà chức trách hàng không.
FAA giám sát 8 vấn đề trọng yếu trong vấn đề đảm bảo an toàn. Thứ nhất là đánh giá toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng, cũng như hệ thống luật pháp Việt Nam để đánh giá chính sách về an toàn của Chính phủ Việt Nam; Thứ hai, FAA đánh giá về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, tài liệu hướng dẫn về an toàn của nhà chức trách hàng không; Thứ ba, đánh giá hệ thống tổ chức của hàng không dân dụng có đảm bảo về thẩm quyền, chức năng quản lý; Thứ tư, đánh giá công tác đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực, đặc biệt ở những vị trí chủ chốt liên quan đến lĩnh vực an toàn hàng không, bao gồm các chương trình huấn luyện cơ bản, nâng cao, định kỳ, đột xuất…; Thứ năm là đánh giá hệ thống công cụ để thực hiện việc quản lý, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin trong lưu trữ, quản lý, giám sát, bên cạnh đó, FAA cũng đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của nhà nước cho nhà chức trách hàng không để thực hiện việc này; Thứ sáu là giám sát công tác cấp chứng chỉ cho nhân viên hàng không bao gồm toàn bộ quá trình thi tuyển, giám sát, cấp bằng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác; Thứ bảy, đánh giá công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của nhà chức trách hàng không về số lượng, cách thức tiến hành, thời gian thực hiện và kết quả thực hiện; Cuối cùng là đánh giá về chế tài và khả năng khắc phục sau thanh tra, kiểm tra.
P.V