Theo đó, trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 10 năm tới trong lĩnh vực giao thông vận tải là: xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chát lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách bộ máy hành chính ; hiện đại hóa hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Chương trình cải cách hành chính của Bộ GTVT được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2011-2015) và giai đoạn 2 (từ 2016-2020).
Trong giai đoạn 1, Bộ GTVT đề ra 8 mục tiêu cụ thể. Đó là: Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý; 70% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, trên 80% công chức đạt tiêu chuẩn theo chức danh; Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; Thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước; Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ GTVT cung cấp và sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2015 và 2020 đạt mức theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; 60% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên mạng điện tử, 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp Tổng cục, Cục trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 (cho phép tải về các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy) và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến ở mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; Các trang tin, cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT hoàn thành việc kết nối với cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT, hình thành đầy đủ mạng thông tin điện tử hành chính của Bộ GTVT trên Internet; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo khu vực hành chính và sự nghiệp.
Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ cải cách của Chương trình này, Bộ GTVT xác định trong thời gian từ 2011-2015, đặc biệt trong năm 2012 cán bộ công chức phải có quyết tâm cao, phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, phải tập trung thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trong tâm có tính đột phá: cải cách thể chế hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin truyền thông trong công tác quản lý nhà nước và trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính từ bộ đến các đơn vị thuộc Bộ. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Bộ trong phạm vi quản lý của mình. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức viên chức thuộc mình quản lý. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức viên chức bằng các hình thức thiết thực, phù hợp và có hiệu quả tốt. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản theo thẩm quyền quản lý về chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm của cán bộ công chức viên chức trong từng cơ quan tổ chức. Tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động công vụ. Thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính để có những giải pháp thích hợp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính ở Bộ GTVT, quy định kết quả thực hiện cải cách hành chính là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ công chức viên chức. Cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công vụ có chất lượng và hiệu quả cao. Phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông với cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, của tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác cải cách hành chính và giám sát chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ./.