Từ 1/7/2013, tăng lương cơ sở lên 1.150.000 đồng/tháng
Theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2013, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định.
Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1/7/2013, cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế là 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (108 triệu đồng/năm).
Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1/7/2012, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quy định làm thêm giờ đối với người lao động
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2013, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động.
Theo đó, số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Nghị định cũng quy định 3 trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ trong một năm gồm: 1- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; 2- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 3- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.
Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật lao động.
Cung cấp thông tin trong 3 trường hợp đột xuất, bất thường
Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường:
1- Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
2- Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên.
3- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn.
Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.
17 công việc được cho thuê lại lao động
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động gồm: 1- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.
Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2013.