Kể từ 0h00- giờ quốc tế, ngày 08/12/1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động bay trong toàn bộ Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Đây là kết quả đấu tranh ngoại giao bền bỉ và khôn khéo của Việt Nam trên bàn hội nghị dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ cũng như sự đầu tư đúng đắn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người của ngành HKVN nói chung và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói riêng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt của ICAO.
Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đã trực tiếp tạo tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng nói chung, công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng; tạo sự chủ động cho các hoạt động bay quân sự của ta và gián tiếp hỗ trợ công tác bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Về mặt kinh tế, việc tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đã giúp mở rộng vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Việt Nam. Hiện nay, với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế trong 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh, trong đó có 02 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông. Thắng lợi to lớn này đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được ICAO giao cho Việt Nam quản lý.
26 năm qua cùng với đà phát triển của đất nước, hoạt động hàng không trong nước và khu vực liên tục tăng trưởng, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý điều hành bay, Tổng công ty đã tích cực, chủ động trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, tạo ra sự thay đổi căn bản công nghệ quản lý điều hành bay. Các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty tại 2 Trung tâm Kiếm soát đường dài, 4 trung tâm Kiếm soát tiếp cận, 22 đài kiếm soát tại sân được đầu tư nâng cấp với quy mô và công năng hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp về tổ chức vùng trời, áp dụng các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới nhằm tăng năng lực điều hành bay, tăng khả năng thông qua vùng trời, đặc biệt góp phần giảm tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn có mật độ bay cao.
Với nhiệm vụ kinh tế chính trị trọng tâm là đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, các thế hệ CB-CNV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Cục HKVN và Bộ GTVT, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã giành được nhiều thành tích đáng tự hào. Tổng kết 26 năm sau ngày tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, Tổng công ty đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gần 10 triệu chuyến bay, thực hiện xuất khẩu tại chỗ thu về ngoại tệ mạnh cho Nhà nước với doanh thu điều hành bay đạt gần 60 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 30 ngàn tỷ đồng.
Năm 2019, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty đạt 973 ngàn lần chuyến tăng gấp 8 lần so với năm 1994, doanh thu điều hành bay đạt hơn 6,3 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 3,4 ngàn tỷ đồng tăng khoảng 30 lần so với kết quả thực hiện năm 1994 (thời điểm trước khi nhận lại FIR Hồ Chí Minh). Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế của việc tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, đó là sự đóng góp to lớn rất đáng ghi nhận của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới ngành hàng không thế giới cũng như Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA), hoạt động đi lại bằng đường hàng không trên thế giới trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 86,5% so với cùng kỳ năm 2019. Do sự sụt giảm nghiêm trọng về hoạt động khai thác của các hãng hàng không dẫn đến sự sụt giảm lớn về các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Ước tính đến hết tháng 12/2020, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty chỉ đạt khoảng hơn 395 ngàn lần chuyến tương đương 40% so với thực hiện của năm 2019, trong đó hoạt động bay quá cảnh ước bằng 30,12%, hoạt động bay đi đến ước bằng 50,19% so với thực hiện của năm 2019. Doanh thu dự kiến đạt 2,4 ngàn tỉ đồng bằng 37,9% so với kết quả năm 2019.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp quyết liệt giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, đồng thời phòng ngừa mọi nguy cơ lây nhiễm từ yếu tố bên ngoài đến các lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, thông suốt ngay cả trong tình huống có thời điểm các hãng hàng không dừng hoạt động bay thương mại thì Tổng công ty vẫn không thể ngừng cung cấp dịch vụ do vẫn còn các chuyến bay hồi hương, vận chuyển hàng hóa và các chuyến bay đặc biệt khác.
Năm 2021 và những năm tiếp theo được xác định là tiếp tục còn rất nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước và thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường. Theo dự báo của IATA, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cần 3 năm nữa (năm 2023) hàng không thế giới mới có thể trờ về mức như năm 2019. Trong bối cảnh như vậy, Tổng công ty tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời sẵn sàng các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng, đảm bảo các hoạt động bay an toàn trong vùng trời trách nhiệm.
Trong chặng đường mới, Tổng công ty phải vượt qua các khó khăn thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, chỉ huy điều hành bay an toàn, điều hoà, hiệu quả 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm được giao.
Thực tế từ khi được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế tin tưởng chấp thuận giao cho Việt Nam quyền điều hành phần phía Nam vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh, được sự ủy quyền của Nhà nước, trong 26 năm qua, các thế hệ CB-CNV của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào, không phụ lòng tin tưởng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, của Đảng và Nhà nước. Nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
(VATM)
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
(CANSO) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan mới đây đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) để triển khai sáng kiến chia sẻ dữ liệu an toàn và thông tin an toàn hàng không khu vực với mục tiêu nâng cao an toàn hàng không khi mà lưu lượng bay đã phục hồi hoàn toàn kể từ Đại dịch Covid-19.