Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước. Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tham dự và báo cáo tại hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.
Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã báo cáo và đưa ra các kiến nghị để ngành hàng không hồi phục mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh, thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm. Tuy nhiên, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Theo báo cáo của ông Phạm Việt Dũng, hiện nay, hàng không đã phục hồi trở lại, đặc biệt các mảng hàng không có tần suất bay cao, như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày. Các doanh nghiệp hàng không chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, các ngành hàng không đã tích cực chuẩn bị, mở các đường bay mới… Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.
Tuy vậy, ông Phạm Việt Dũng cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không hiện nay: Trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không. Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp.
Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước. Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Trước loạt thách thức này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam nêu lên 5 kiến nghị: Thứ nhất là việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không. Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành… Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam. Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
(vatm.vn)
Tàu bay A321 thế hệ mới mang hình ảnh biểu tượng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp vừa được Airbus bàn giao trang trọng ngày tại sân bay Orly (Paris) cho Vietjet Air.
Sự kiện diễn ra trang trọng tại Điện Elysée, Paris, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng đoàn Đại biểu cấp cao hai nước.
Giao dịch này là bước tiến tiếp theo sau thỏa thuận tài chính đã hoàn tất vào năm 2023 cho 3 máy bay Airbus A321neo.
Từ động lực của chuyển đổi số tới cam kết với cộng đồng quốc tế về chuyển đổi xanh…