Ngày 8/12/1994, Việt Nam chính thức được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho quyền quản lý và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tổng công ty Quản lý bay nói riêng và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói chung. Sự kiện này không những mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về mặt an ninh quốc phòng. Một lần nữa khẳng định với thế giới rằng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Hàng không Việt Nam giờ đây đã đáp ứng hòan toàn với yêu cầu quốc tế.
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (màu xanh)
Với đặc thù là quốc gia ven biển có đường bờ biển dài, Việt Nam chúng ta quản lý một vùng rộng lớn thềm lục địa nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Công ước năm 1982 về Luật Biển của Liên hợp quốc cho phép tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển đều có quyền tự do Hàng hải và tự do Hàng không. Do đó, để bảo đảm giao lưu Hàng không quốc tế được thông suốt và an toàn, ICAO có quyền phân chia trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu và báo động cho các nước hữu quan đối với vùng trời trên vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển và trên biển. Và FIR Hồ Chí Minh chính là vùng trách nhiệm đã được ICAO chính thức giao cho Quản lý bay Việt Nam điều hành từ năm 1994 sau 18 năm chuẩn bị về nhân lực và trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế. Đó là vùng trời (hay vùng công hải quốc tế) rộng lớn ở biển Đông với nhiều tiềm năng kinh tế, trải dài với diện tích khoảng 918.000 km2, gồm một nửa nước ta từ Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau với chiều rộng ra biển trên 500km. Bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến Đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông. Hiện nay, Hàng không Việt Nam có trên 25 tuyến bay nội địa và 34 tuyến bay quốc tế phần lớn nằm trong vùng thông báo bay này. Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nằm trong giao điểm đường bay qua các nước trong khu vực với 20 đường bay như đường bay A1, A470, A901, B583, R214, R471, R468, R349, R203, G466, G467..v..v… Những đường bay thuộc FIR Hồ Chí Minh đi qua các điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Phù Cát, Côn Sơn, Đà Nẵng tới Băng Cốc, Philippin, Singapo, Hồng Kông. Các hoạt động bay trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh mỗi ngày có tới hơn 300 lượt máy bay quá cảnh, hơn 700 chuyến bay đi/đến và gần 100 lượt máy bay hạ cất cánh và 80 chuyến bay/tuần tới các điểm đến ở Trung Quốc, chưa kể các chuyến bay từ nước này tới Việt Nam.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ điều hành bay thuộc FIR HCM và đảm bảo an toàn hàng không trên khu vực biển Đông, khẳng định năng lực và chất lượng trong công tác điều hành bay đối với các vùng thông báo bay trong khu vực Đông Nam Á. Tổng công ty Quản lý bay đã đầu tư và đưa vào khai thác các trạm giám sát ADS-B, các trạm liên lạc VHF thoại không - địa tầm xa, hệ thống truyền dẫn vệ tinh VSAT tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đây là tổ hợp thiết bị Thông tin, Dẫn đường, Giám sát hiện đại ứng dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, đánh dấu sự có mặt lần đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần nâng cao năng lực giám sát đối với các tàu bay dân dụng hoạt động trên các đường bay song song trên biển Đông, đem lại sự hài lòng cho các hãng hàng không và các nhà khai thác.
Như vậy, việc vận hành và khai thác các tổ hợp trang thiết bị máy móc kỹ thuật trên đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ không vận của Việt Nam, nâng cao vị thế của ngành Hàng không Việt Nam trong việc tuân thủ lộ trình cam kết quốc tế trong việc áp dụng các công nghệ mới, hoàn thiện vững chắc tầm phủ sóng thông tin liên lạc thoại giữa người lái và Kiểm soát viên không lưu thông qua hệ thống (VHF) cho toàn bộ FIR HCM. Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền Biển Đảo quốc gia tại quần đảo Trường Sa.
Khánh thành Cụm Thông tin - Giám sát ADS- B/VHF/VSAT trên đảo Trường Sa Lớn
Hơn 20 năm qua, việc tiếp nhận FIR Hồ Chí Minh đã mở thêm vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Việt Nam, đảm bảo các hoạt động an ninh hàng không trong khu vực. Đó là một vùng trời có mật độ bay cao nhất thế giới, chiếm vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương. Như lời nhận định của ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: “Biển Đông là một trong những khu vực có những đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới”. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ không lưu đảm bảo điều hành trên 5 triệu chuyến bay an toàn qua vùng trời thuộc không phận do Việt Nam điều hành và quản lý, đóng góp trên 15 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó còn có ý nghĩa to lớn đối với công tác an ninh quốc phòng trong việc canh giữ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Quản lý bay đã phối hợp với Bộ quốc phòng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho các chuyến bay làm nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, thực hiện thủ tục thông báo Hàng không dân dụng quốc tế và các hoạt động có liên quan trên quần đảo này.
Ngày nay, FIR Hồ Chí Minh là vùng trời trách nhiệm quan trọng mở rộng không gian “sinh tồn” của lãnh thổ Việt Nam. Quản lý bay Việt Nam đã vinh dự, tự hào kiểm soát an toàn ngày đêm trên vùng trời đó, ngăn ngừa từ xa các hoạt động đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, sát cánh cùng với quân dân cả nước giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia, vì nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngọc Trinh