Máy bay nằm dài, nguy cơ hàng không nội phá sản

Thứ Năm, 02/04/2020 - 08:47 GMT+7

Hơn 200 tàu bay “đắp chiếu” trên sân đậu. Mỗi ngày hãng hàng không chỉ còn khai thác lác đác vài chuyến bay, chở vài trăm khách.

Cả trăm tàu bay “la liệt” trên đường lăn, sân đỗ

Hình ảnh dễ nhận thấy trên khu bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất những ngày gần đây là cảnh tàu bay nằm la liệt trên sân đỗ.

“Riêng tại Nội Bài, có khoảng hơn 90 tàu bay đang nằm sân vì không có chuyến, không có lịch bay. Chúng tôi phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp tàu bay, cả trong khu vực xưởng sửa chữa, thậm chí cả trên đường lăn”, một lãnh đạo sân bay Nội Bài cho hay.

Cũng theo vị này, hiện Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TP HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30/3/2020.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngoài 4 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc còn lác đác vài chuyến trong ngày, 18 sân bay còn lại (gồm cả Vân Đồn) coi như “đóng cửa”.

“Đường bay quốc tế cũng dừng hết, tàu bay không nằm sân thì biết đi đâu”, vị này nói và chua xót dẫn số liệu: Trước đây, theo thống kê từ Flightradar24 (ứng dụng theo dõi máy bay, cung cấp cho người dùng mọi dữ liệu của tất cả các chuyến bay trực tiếp trên toàn thế giới), mỗi ngày có khoảng 1.000 chuyến bay được khai thác trên trục Hà Nội - TP HCM.

Trong đó, Nội Bài là sân bay đón lượng chuyến bay cao nhất xuất phát từ Tân Sơn Nhất với 486 chuyến/tuần và TP HCM cũng đón tới 489 chuyến bay/tuần từ Nội Bài.

Tuy nhiên, hiện tại, mỗi ngày chỉ có 8 chuyến bay (4 chuyến đi và 4 chuyến đến) trên trục này. “Như ngày 31/3, sân bay Nội Bài chỉ đón chừng 1.000 khách đi/đến chặng Hà Nội - TP HCM, trong khi bình thường, con số này lên tới 20.000 khách”, vị này thông tin.

Tàu dừng, chi phí không dừng

Đáng nói, ngay cả khi hơn 95% trong tổng số 234 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam đang phải “đắp chiếu” thì hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ…

“Đội tàu bay Vietnam Airlines hiện có 108 chiếc, trong đó có tới 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350. Mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này vào khoảng 1 triệu USD/chiếc.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu máy bay trong số này đã được Vietnam Airlines thực hiện bán và thuê lại (sale and lease back), nhưng ngay cả khi DN này thực hiện mua, tiền trả lãi ngân hàng cho khoản vay mua máy bay cũng rẻ hơn không nhiều.

Điều này đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines đang phải chi trả riêng cho đội “siêu máy bay” khoảng gần 30 triệu USD/tháng.

Với 76 tàu A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300 nghìn USD/tháng. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng có thể thấy khoản chi khủng cho đội tàu của Vietnam Airlines mỗi tháng”, một chuyên gia hàng không cho biết.

Tương tự, với 75 tàu A320, A321 đang khai thác, các chuyên gia ước tính khoản tiền mà Vietjet phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Tất nhiên, con số này có thể cao hoặc thấp hơn tuỳ thuộc vào mức giá mà từng hãng đàm phán được khi ký hợp đồng thuê.

Cũng không quá khó để ước số tiền mà hãng hàng không mới hơn 1 tuổi Bamboo Airways phải chi trả cho đội tàu bay gồm 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319 của hãng này mỗi tháng.

Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay mua tàu), hãng hàng không còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc A321 khoảng 1,6 triệu đồng. Với dòng 787, con số này lên tới 4,16 triệu/tàu/ngày.

Như vậy, riêng tiền đậu đỗ tàu bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines đã phải chi trên 6 tỷ đồng. Vietjet ít hơn, khoảng 3,6 tỷ đồng, Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng/tháng.

                                      


Lo có hãng hàng không phá sản

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng giờ đều bị “phá sản”.

“Đến nay, không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình nữa, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc”, Cục trưởng Cục Hàng không nói và thông tin thêm: Trước đây khi chỉ dừng khai thác mạng bay quốc tế, ngành hàng không “trông chờ” vào thị trường nội địa và mong muốn thay đổi được phần nào những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Nhưng nay, thị trường nội địa đã phải hạn chế tối đa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày thì hi vọng cũng coi như hết, các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.

“Không đánh giá được tăng trưởng, sản lượng khai thác hàng không trong năm nay cũng không thể dự báo được nữa. Bây giờ, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết, không có dòng tiền về nên hãng không thể trang trải.

“Dòng tiền giống như mạch máu trong cơ thể con người, máu phải chảy mới sống được”, ông Thắng nói và cho rằng, lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.

Các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục Hàng không VN về tình hình hiện tại. Cục Hàng không VN đang tổng hợp để xem xét, báo cáo tới các cấp có thẩm quyền.

“Trong bối cảnh hiện nay, dù tình hình thế nào đi nữa, việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và ngành hàng không phải chấp nhận”, ông Thắng cho biết thêm.

Đề nghị giảm 50% giá cất hạ cánh, miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu bay

Trong văn bản gần nhất gửi Bộ KH&ĐT báo cáo tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đơn vị trong ngành GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng.

Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

(Nguồn:baogiaothong.vn)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website