Xác định vị trí việc làm là nhiệm vụ bắt buộc

Chủ Nhật, 30/06/2013 - 22:40 GMT+7

 (Chinhphu.vn) – Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Điều này sẽ giúp tuyển đúng người cho công việc.

Ngày 30/6, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tập huấn xác định vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ công chức, viên chức.
Xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức được pháp luật xác định là nhiệm vụ bắt buộc đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Vị trí việc làm được hiểu là chỗ làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vị trí việc làm có thể có 1 hoặc nhiều công việc, có tính thường xuyên, lặp đi lặp lại chứ không bao gồm những công việc thời vụ, tạm thời.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết việc hiểu rõ vị trí việc làm sẽ giúp các cơ quan, đơn vị tuyển được đúng người, đúng việc.
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức về nội dung trên, ngày 22/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36 về  vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (trước đó, ngày 8/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 41 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập).
Đến nay, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành các văn bản (Thông tư 05 ngày 25/6/2013, Thông tư số 14 ngày 18/12/2012 và Thông tư số 11 ngày 17/12/2012) hướng dẫn xác định vị trí việc làm theo quy định của Luật và 2 Nghị định trên của Chính phủ.
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh đến ý nghĩa của công việc này nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức; phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả cho hoạt động tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng công chức, đánh giá quy hoạch cán bộ và cải cách tiền lương hiệu quả.
Hiện các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm để trình các cơ quan có thẩm quyền và trình Bộ Nội vụ. Qua việc triển khai, các bộ, ngành địa phương đều khẳng định để thực hiện Đề án có hiệu quả cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện Đề án và vướng mắc khi thực hiện, như việc xây dựng các bảng biểu, thống kê việc làm, nhiệm vụ; việc xác định ngạch công chức, viên chức ở một số đơn vị sự nghiệp, cán bộ phụ trách phải có năng lực, chuyên môn sâu về quản lý Nhà nước./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website