Vụ tàu bay mất tích MH370: Báo chí đã đưa tin rất trách nhiệm

Thứ Hai, 07/04/2014 - 23:14 GMT+7

 Ngoài những nỗ lực thể hiện tinh thần nhân đạo trong vụ tìm kiếm tàu bay Malaysia mất tích, phía Việt Nam đã tạo mọi điều kiện về cung cấp thông tin cũng như đã bố trí để hơn 300 phóng viên trong nước và quốc tế được bay ra khu vực nghi vấn ngoài biển tác nghiệp...

Ngoài những nỗ lực thể hiện tinh thần nhân đạo trong vụ tìm kiếm tàu bay Malaysia mất tích, phía Việt Nam đã tạo mọi điều kiện về cung cấp thông tin cũng như đã bố trí để hơn 300 phóng viên trong nước và quốc tế được bay ra khu vực nghi vấn ngoài biển tác nghiệp.Đã có tới 254 phóng viên, trong đó có 52 phóng viên nước ngoài được bố trí tham gia vào các đợt tìm kiếm trên không. 

alt image
 
Ngay khi vừa có thông tin tàu bay MH 370 mất tích; lập tức, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều phóng viên các hãng tin trong và ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí đã cử phóng viên đến Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn để tác nghiệp.
Bộ GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tìm kiếm, cứu nạn tàu bay mất tích đã chủ động tạo điều kiện và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của báo chí.

Đặc biệt, sau 4 ngày máy bay mất tích, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhận được yêu cầu hỗ trợ của hơn 90 phóng viên nước ngoài đến từ hơn 25 hãng tin, cơ quan báo chí quốc tế. Số phóng viên không ngừng tăng lên trong những ngày tiếp theo. Vụ Thông tin Báo chí đã phải ứng trực 24/24 giờ, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Sở Ngoại vụ TP. HCM và các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên nước ngoài tiếp cận các khu vực nghi máy bay mất tích, tác nghiệp.

“Trong vụ tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia mất tích, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để báo chí tiếp cận thông tin và được bay cùng với các chuyến bay tìm kiếm. Ở phía Nam, các đơn vị và đặc biệt là Trung tâm chỉ huy đã rất bận rộn khi có hàng trăm phóng viên tới tác nghiệp” – vị đại diện Tổng công ty Quản lý bay miền Nam nhận định.
Vì tất cả các nỗ lực trong vụ tìm kiếm máy bay Malaysia, Việt Nam được rất nhiều phóng viên, các hãng tin trong và ngoài nước đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm cùng những cố gắng, nỗ lực của nước ta đối với cộng đồng quốc tế và khu vực.
Trước đó, trong báo cáo lên Thủ tướng Malaysia, lãnh đạo Cục Hàng không nước này cho rằng, một khi MH370 đã đi qua điểm chuyển giao IGARI trên biển Đông, chiếc máy bay sẽ chính thức thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý vùng trời Việt Nam.

Phản ứng trước cáo buộc trên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, không có bằng chứng cho thấy tàu bay đã vượt qua điểm chuyển giao IGARI vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như phía Malaysia nêu ra.

Vì tàu bay MH370 chưa thiết lập liên lạc với ACC Hồ Chí Minh, việc chuyển giao kiểm soát chưa được hoàn tất. ACC Hồ Chí Minh chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với tàu bay này.

Về việc chậm trễ thông báo 12 phút so với thông lệ, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, kiểm soát viên không lưu ACC Hồ Chí Minh đã thông báo cho phía Kuala Lumpur chậm 12 phút về việc tàu bay mất tín hiệu radar và chưa có liên lạc với ACC Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định việc thông báo này chỉ là một trong nhiều công việc cần thực hiện trong giai đoạn hồ nghi.

"Sau khi kiểm tra việc thực hiện các quy định về không lưu và tìm kiếm cứu nạn trong vụ việc này, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy kiểm soát viên không lưu ACC Hồ Chí Minh đã thực hiện đầy đủ quy trình dịch vụ báo động", Cục trưởng Cục hàng không khẳng định./.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website