Chờ đợi cả ở sân bay và trên trời
Không một sân bay nào ở Trung Quốc có nổi 50% số chuyến bay khởi hành đúng giờ. Sân bay ở Bắc Kinh đứng tốp đầu trong số 35 sân bay tệ nhất khi trong tháng 8/2013, cứ 5 chuyến bay thì có 4 chuyến chậm giờ. Thượng Hải cũng không khá khẩm hơn khi cứ 10 chuyến thì có 3 chuyến đúng giờ.
Tình trạng chậm chuyến nghiêm trọng đến nỗi, chỉ trong mùa hè đã xảy ra hơn 20 vụ hành khách đánh nhau với nhân viên ngay tại sân bay. Cuối tháng 8 vừa qua, gần 50 hành khách ở sân bay Nam Xương xô ngã nhân viên an ninh, xông thẳng ra đường băng sau 7 tiếng đồng hồ chờ đợi vật vờ.
Mới đây, hãng Hàng không Trung Quốc có thêm quy định các chuyến bay cứ đến giờ thì phải cất cánh bất kể đích đến có chỗ để hạ cánh hay không. Quy định này đã cải thiện phần nào tình trạng chậm chuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó không phải là giải pháp hợp lý. Một chuyên gia thuộc Đại học Hàng không dân dụng Trung Quốc cảnh báo: “Không có chỗ hạ cánh, máy bay chờ đợi trên bầu trời còn nguy hiểm hơn nhiều. Nó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến thời gian bay của phi công kéo dài“. Trong khi hành khách bắt đầu mệt mỏi bởi sự chậm, hoãn của hàng không và chuyển sang đi tàu cao tốc.
Theo khảo sát của Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, 70% hành khách thất vọng về sự chậm trễ cũng như các tiêu chuẩn bồi thường. Thậm chí, có hành khách còn cho rằng, những quy định bồi thường của các hãng hàng không có sự “thông đồng“.
Giới chức hàng không ban hành tiêu chuẩn bồi thường trễ chuyến nhưng lại không đưa ra mức tiền cụ thể. Quy định yêu cầu phải bồi thường trong trường hợp trễ chuyến do lỗi của công ty và không bồi thường do thời tiết xấu hoặc lỗi của sân bay. Vì vậy, các hãng ấn định mức bồi thường từ 4 đến 8 tiếng và từ 8 tiếng trở lên, nhưng thực tế trong nhiều trường hợp, hành khách chỉ được hỗ trợ bữa ăn và chỗ ở chứ không được bồi thường tiền mặt. Thậm chí, hãng Spring Airlines còn không hỗ trợ bữa ăn, chỉ hỗ trợ chỗ ở sau hơn 10 tiếng trễ chuyến.
Khi hành khách yêu cầu giải thích nguyên nhân chậm chuyến chỉ nhận được câu trả lời rất mập mờ, nếu không phải do thời tiết thì cũng do sân bay - đều là những lý do không phải bồi thường.
Quân đội quản lý 80% không phận
Một trong những nguyên nhân khiến các chuyến bay tại Trung Quốc chậm, hoãn là do những lời đe dọa khủng bố. Từ đầu năm tới nay, hàng không nước này đã nhận được 80 cảnh báo rởm. Ngoài ra, sự tăng trưởng quá nhanh của Hàng không Trung Quốc trong khi diện tích không phận cực kỳ giới hạn, do phần lớn bầu trời thuộc sự quản lý của quân đội.
Quân đội Trung Quốc quản lý khoảng 80% không phận quốc gia trong khi tỷ lệ này ở châu Âu hoặc Mỹ chỉ là 20%. Cheng-Lung Wu, chuyên gia nghiên cứu hàng không tại Trường Đại học New South Wales, Australia nói: “Ở Trung Quốc, không phận được ưu tiên cho quân đội sử dụng. Khi họ luyện tập, thậm chí có thể sử dụng cả vùng không phận dành cho những mục đích dân sự. Rất nhiều chuyến bay bị muộn hoặc hoãn vì lý do này“.
Một phi công đã so sánh không phận dân sự ở Mỹ giống như một sân bóng đá: “Bạn có thể lang thang từ đầu này đến đầu kia, vượt qua người khác. Ở Trung Quốc thì không, tất cả mọi người phải đứng vào hàng lối“. Wu nêu ra ví dụ về một chuyến bay bị chậm rất lâu ở Thượng Hải mà chính ông là nạn nhân: “Cơ trưởng nói rằng, đó là do nguyên nhân thời tiết, nhưng bên ngoài trời rất đẹp, nắng chói chang. Khi hạ cánh, bằng nguồn tin nội bộ mới biết thời điểm đó, không phận dân sự được quân đội trưng dụng“.
Theo China Daily, nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm chuyến. Trong đó, 42% do hoạt động quản lý yếu kém, 26% do các biện pháp kiểm soát không lưu, 21% do thời tiết và 7% do “nhường“ không phận cho quân đội.
(Theo Guardian, Xinhua, ChinaDaily)