Siêu sân bay quốc tế Berlin đang trở thành công trình xây dựng tốn kém nhất nước Đức. Ngay cả khi chưa đi vào sử dụng, chi phí chiếu sáng và chạy điều hòa nhiệt độ tại sân bay này hiện tại đã cao hơn nhiều so với sân bay đang hoạt động.
Được khởi công từ gần 20 năm trước, sân bay Berlin Brandenburg còn có tên gọi khác là Willy Brandt (tên của cố Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức) là một trong những dự án xây dựng tốn kém và tai tiếng nhất của nước Đức.
250 triệu Euro/năm cho sân bay "chết"
Mặc dù ngày khánh thành đã được chờ đợi từ rất lâu, siêu sân bay vẫn dậm chân tại chỗ trong tình trạng xây dựng dở dang. Trong nhiều tháng ròng, hoạt động duy nhất chỉ là tìm kiếm những lỗi sai sót, thiếu hợp lý trong thiết kế, xây dựng và sửa chữa lỗi trong hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Chi phí cho sự bế tắc hiện nay của sân bay này là những con số khổng lồ. Theo điều tra mới nhất về chi phí tài chính duy trì sân bay mới đây do ông Hartmut Mehdorn - Giám đốc điều hành mới của dự án tốn kém tiền của này yêu cầu tiến hành, sân bay “chết” này nuốt chửng 20 triệu euro mỗi tháng, tương đương với khoảng 250 triệu euro mỗi năm. Số tiền này được chi để làm vệ sinh, bảo vệ an ninh, bảo trì, sửa chữa và nhiều nhất là để trả tiền điện.
Theo đánh giá gần đây, mức tiêu thụ điện năng tại sân bay mới dù chưa đi vào hoạt động cũng cao hơn nhiều so với sân bay cũ Tegel nơi hiện có hơn 400 chuyến bay cất cánh và hạ cánh mỗi ngày. Hiện tại, bên trong siêu sân bay được thắp sáng suốt ngày đêm và ở bên ngoài, trên những lối đi, đèn được bật vào lúc mặt trời lặn. Hệ thống điều hòa nhiệt độ khổng lồ hoạt động liên tục, ngoài ra, chi phí tăng cao bởi nguồn điện vẫn phải được cung cấp cho 750 container hiện vẫn đang nằm trong sân bay phục vụ công việc xây dựng. Thang máy, thang cuốn mỗi tuần được khởi động một lần để đảm bảo không bị han rỉ, hỏng hóc. Riêng hệ thống màn hình phẳng vốn vẫn được bật để mô phỏng việc cung cấp thông tin về chuyến bay đi và đến đã được tắt đi để tiết kiệm.
Chưa hẹn ngày hoàn thành
Siêu sân bay được xây dựng với mục đích chính là củng cố hoạt động giao thông đường hàng không của Thủ đô, tập trung hết vào một sân bay duy nhất và thay thế cho ba sân bay hiện đang hoạt động cùng lúc trong thành phố. Trên thực tế, những nhà thầu xây dựng cũng như ban quản lý dự án đã cam kết sẽ hoàn thành và mở cửa sân bay này vào năm 2010. Tuy nhiên, lịch khánh thành sân bay đã bị hoãn tới bốn lần. Tháng 6/2012, ngày mở cửa sân bay vốn đã được thông báo rộng rãi cũng bất ngờ bị hủy bỏ chỉ vài tuần trước đó.
Sự trì hoãn kéo dài và liên tục đã khiến sân bay lớn vốn được đặt nhiều kì vọng làm thay đổi bộ mặt Thủ đô Berlin bỗng trở thành một sự thất bại thảm hại và khiến những người có liên quan lúng túng trong bế tắc. Các chuyên gia xây dựng sau khi kiểm tra nhà ga sân bay vào cuối năm 2012 đã phát hiện ra hàng trăm sai sót, đặc biệt là những lỗi không thể chấp nhận trong hệ thống phòng cháy chữa cháy, các vết nứt gẫy trên gạch lát sàn, những vấn đề với mạng nội bộ - hệ thống mạng này đặc biệt quan trọng bởi nó điều khiển từ bộ phận check in tới hệ thống đèn chiếu sáng, báo hiệu, hướng dẫn trên đường băng.
Không những thế, ngày 31/5/2013, Ủy ban châu Âu (EC) đã cáo buộc và bắt đầu tiến hành điều tra việc xây dựng sân bay mới này vi phạm luật châu Âu về bảo vệ môi trường. Chính phủ Đức có 2 tháng để giải trình vấn đề này. Nếu EC và Đức không thống nhất quan điểm, vụ việc này sẽ được đưa lên Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg.
Chính vì vậy, cho tới thời điểm này, chưa có bất kì công bố nào về ngày siêu sân bay BER chính thức đi vào hoạt động, nhưng rõ ràng ngày đó sẽ không bao giờ đến trước năm 2014./.
(giaothongvantai.com.vn)