Năm 2013, đổi mới mạnh mẽ hàng không

Thứ Tư, 19/12/2012 - 17:38 GMT+7

 Sáng 19/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh 2012, kế hoạch năm 2013 và công tác cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng HKVN, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam … cùng đại diện các cục, vụ thuộc Bộ.
Một năm nhiều khó khăn
Năm 2012, thị trường hàng không nội địa sụt giảm mạnh (giảm 6,4% so với 2011), trong khi trên cả 2 thị trường nội địa và quốc tế, Vietnam Airlines tiếp tục vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không giá rẻ trong nước, các đối thủ hùng mạnh quốc tế. Cùng với đó, giá nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng cao làm cho chi phí nhiên liệu tăng thêm 725 tỷ đồng. Bối cảnh đó đang đặt Vietnam Airlines trước áp lực phải liên tục đổi mới chống “thua lỗ”. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, đã 3 lần Vietnam Airlines phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí với tổng số lên đến 570,4 tỷ đồng. Tổng công ty cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp điều chỉnh sản phẩm linh hoạt theo từng ngày bay, từng chuyến bay, đẩy mạnh cho thuê chuyến, thuê giờ bay nhằm đảm bảo hệ số sử dụng, tối ưu hóa doanh thu. Ước tính trong năm 2012 đã cắt giảm trên 3.000 cặp chuyến bay, 3.600 giờ bay, tiết kiệm 400 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Vietnam Airlines cho thấy, dù sản lượng vận chuyển hành khách có tăng đôi chút so với cùng kì 2011 nhưng so với kế hoạch cũng chỉ đạt từ 94 - 98%. Tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 174.376 tấn, bằng 91,5% năm 2011 và chỉ đạt 97,3% so với kế hoạch. Kéo theo đó, doanh thu toàn Tổng Cty HKVN tính đến hết tháng 11/2012 đạt 50.891 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch, lợi nhuận chỉ dừng lại ở 81,7 tỷ đồng. Các công ty Jetstar Pacific và Cambodia Angkor Air cũng ở trong tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, đánh giá chung kết quả SXKD năm 2012 cho thấy, Vietnam Airlines cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Bảo đảm tốt an ninh, an toàn hàng không, duy trì chất lượng dịch vụ;  Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa không tăng nhưng lại vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng quốc tế 0,8%, và tăng 11,9% so với năm 2011; Năng suất lao động tiếp tục tăng cao, hiệu suất sử dụng máy bay đạt 76%; Đảm bảo cân đối thu chi và ổn định thu nhập của người lao động; Dư tiền thuần cuối kỳ tính đạt 1.600 tỷ USD… Ngoài ra, VNA đã và đang tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng nhiều hơn các phi công, tiếp viên Việt Nam để dần thay thế đội ngũ lao động người nước ngoài.
Về công tác cổ phần hóa, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán, Tổ trưởng Tổ đấu thầu, cho biết: Tổ đấu thầu đang gấp rút triển khai các phần việc liên quan theo đúng lộ trình Bộ đã đề ra. Hiện nay, Tổng Cty HKVN đang lựa chọn tư vấn tài chính phục vụ việc thẩm định nhà thầu. Đã có 5 nhà thầu gửi hồ sơ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định công nợ và xác định giá trị quyền sử dụng đất, đề nghị các bên liên quan phối hợp tìm giải pháp.
Tiết giảm chi phí, tổ chức lại bộ máy
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của Thứ trưởng và đại diện các Tổng công ty và các cục, vụ chức năng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị Tổng Cty HKVN tiếp thu, bổ sung vào bản báo cáo tổng kết kết quả SXKD năm 2012 và triển khai nhiệm vụ 2013 của Tổng Cty HKVN.
Bộ trưởng hoan nghênh tập thể CBCNV Tổng Cty HKVN đã phát huy tinh thần đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn tích cực sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Theo dự báo của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, năm 2013 nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. Chính vì vậy, Tổng Cty HKVN phải tiếp tục phát huy sự chủ động tích cực trong công tác dự báo, chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch SXKD 2013. Xác định rõ tồn tại, yếu kém 2012, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, kịp thời rút kinh nghiệm và chấn chỉnh hoạt động SXKD.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cty HKVN tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong tổ chức bộ máy, tổ chức doanh nghiệp và các hoạt động; Rà soạt lại toàn bộ chi phí đầu vào, chi phí khấu hao, chi phí tài chính, định mức đơn giá, nhân công… xác định lợi nhuận thực tế. Đặt mục tiêu năm 2013 sẽ cắt giảm 5% chi phí khấu hao so với 2012; Tăng cường kiểm soát đầu ra, công tác bán vé tại các đại lý, hạn chế thất thu, đảm bảo lợi ích cho khách hàng; Đánh giá năng lực quản trị của từng doanh nghiệp, đánh giá năng lực cạnh tranh Tổng Cty HKVN so sánh với các hãng hàng không trong khu vực, tạo tiền đề cho hội nhập sâu rộng khối ASEAN vào năm 2015 và xây dựng thị trường hàng không cạnh tranh.
Xem xét lại công tác dự báo dựa trên các dự báo, đánh giá của các tổ chức, công ty tư vấn thế giới để đưa ra dự báo cho thị trường vận tải nói chung và thị trường hàng không nói riêng. Các dự báo đưa ra phải gắn với thị phần vận tải hàng không, điều kiện hạ tầng, khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tổng Cty HKVN cùng với Cục Hàng không và các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp hàng không giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó có công tác quản lý đội bay, điều hành bay, đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đường bay tối ưu trên tuyến hàng không nội địa nhằm tiết giảm chi phí vận hành. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa Tổng Cty HKVN.
Yêu cầu Tổng Cty HKVN triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp ngay khi Chính phủ phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Tổ chức sắp xếp bộ máy, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ cho SXKD. Cùng với đó, tiến hành tái cơ cấu đầu tư, công nợ, khẩn trương thoái vốn ở các dự án đầu tư đa ngành.
Giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án khai thác hiệu quả các cảng hàng không sân bay, đường bay và kiểm tra năng lực các cảng hàng không. Tiến tới đổi mới chính sách khai thác bay, điều chỉnh giá, phí dịch vụ tại cảng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các hãng hàng không phát triển.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ, Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp khẩn trương rà soát vốn điều lệ, công nợ của các tổng công ty, hãng khàng không; chậm nhất trong tháng 1/2013 xây dựng kế hoạch bố trí tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines và đơn vị khác.
(Theo giaothongvantai.com)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website