Ngày 15 tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (gọi tắt là Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết mục tiêu của Công ước và Nghị định thư Cape Town nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư; đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển thông qua việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay mà trước đây không dễ dàng tiếp cận và có chi phí cao.
Ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Tại Việt Nam hiện nay, các khoản vay nợ dài hạn chủ yếu là để tài trợ cho các dự án đầu tư mua máy bay (tính cả các khoản vay để thực hiện nghiệp vụ đặt cọc, trả trước tiền mua máy bay). Nguồn vốn đầu tư bảo đảm cho đội máy bay được đa dạng hoá từ nhiều nguồn, trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 90%.
Trong những năm qua, theo tính toán của các hãng hàng không Việt Nam, giải pháp huy động vốn vay tín dụng xuất khẩu với sự bảo lãnh của Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (US-EXIM) và các Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu (European-ECAs) kết hợp vay thương mại là giải pháp huy động vốn hiệu quả nhất. Như vậy, nếu Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town theo Chính sách xuất khẩu tín dụng US-EXIM và European-ECAs thì lợi ích thu được đối các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2016 vào khoảng 60 triệu USD từ mức phí ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc quốc gia thành viên Công ước và Nghị định thư Cape Town./.