Khu vực miền Bắc Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, có mùa đông lạnh nên thời tiết rất phức tạp, là nơi giao tranh của nhiều khối không khí, hệ thống thời tiết. Một trong những hệ thống ảnh hưởng tới Bắc Bộ là không khí lạnh, hệ quả thời tiết của không khí lạnh (KKL) rất phức tạp và nguy hiểm tùy theo từng thời kỳ và quá trình di chuyển của chúng, có thể ảnh hưởng khác nhau đến công tác bảo đảm hoạt động bay trong ngành hàng không.
Không khí lạnh xâm nhập xuống miền Bắc nước ta xuất phát từ phía nam lục địa Trung Quốc, gây ra sự đổi hướng gió, giảm nhiệt độ đột ngột, hình thành nên “gió mùa đông bắc” đặc trưng. Thời tiết cũng biến đổi mạnh mẽ gây dông mưa, kèm gió mạnh, gió giật, mưa phùn, sương mù, mây thấp làm giảm tầm nhìn. Điều này khiến việc quan sát, định vị, điều khiển máy bay của phi công kém chính xác hơn gây khả năng uy hiếp an toàn bay.
Bảng tần suất không khí lạnh xâm nhập xuống miền Bắc Việt Nam:
Tháng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Cả năm |
Tần suất | 4,5 | 3,5 | 3,4 | 3,1 | 2,2 | 1,0 | 0,15 | 0,1 | 1,2 | 1,9 | 3,0 | 3,9 | 27,8 |
KKL ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta hầu như quanh năm và theo 3 đường chính, nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tùy vào thời gian và đường đi của KKL mà gây ra các hệ quả thời tiết khác nhau. Do đó, sản lượng và chất lượng dịch vụ khai thác các chuyến bay có được đảm bảo hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào từng thời điểm trong năm. Nhìn chung, KKL ảnh hưởng đến miền Bắc có thể được phân chia thành 3 thời kỳ chính:
Thời kỳ đầu mùa đông (tháng 9, tháng 10), là thời kỳ chuyển tiếp mùa hè sang mùa đông. KKL xâm nhập Bắc Bộ thời kỳ này có thể xuất hiện mưa dông mạnh, đôi khi kèm theo tố lốc, mưa đá với sức tàn phá lớn. Nếu máy bay vào vùng mây dông rất nguy hiểm, có thể bị sét đánh làm sai lệch các chỉ số trên máy bay gây khó khăn cho phị công, hoặc nhiễu động mạnh gây rung lắc máy bay,… Ngoài ra khi KKL kết hợp với các hệ thống thời tiết khác như: dải hội tụ nhiệt đới, XTNĐ, bão và điều kiện địa hình cũng gây ra những đợt mưa lớn diện rộng, đặc biệt là ở các sân bay Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới.
Thời kỳ chính đông (tháng 11-1), miền Bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh và nhiều đợt nhất trong năm. Trong thời kỳ này, dông mưa rất ít khi xảy ra, thường khô hanh, rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến hoạt động hàng không trong thời kỳ này chủ yếu là gió gây ra, các đợt gió mùa đông bắc mạnh với tốc độ gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7 ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh của tàu bay.
Thời kỳ cuối mùa đông (tháng 2, 3): KKL thời kỳ này khi ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta đã yếu nên ấm và ẩm hơn, do quá trình di chuyển trên biển làm cho tính chất lạnh khô của KKL đã ấm và ẩm hơn rất nhiều. Đây cũng là nét độc đáo ở Bắc Bộ mùa này với kiểu thời tiết nồm ẩm, mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù. Tuy nhiên, hệ quả thời tiết của KKL thời kỳ này lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hàng không của các sân bay miền Bắc. Hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, mây thấp, làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1km, kéo dài nhiều giờ, khiến cho rất nhiều chuyến bay cất, hạ cánh không đúng kế hoạch, phải chuyển hướng hạ sân bay dự bị, hay phải hủy ngay tại sân bay cất cánh..., đôi khi còn xảy ra trên diện rộng, cùng thời điểm ở tất cả các sân bay gây khó khăn trong công tác điều phối và điều hành bay dẫn đến tình trạng xáo trộn lịch bay tại nhiều sân bay. Như ngày 25/02/2018, tại các sân bay như Vinh, Thọ Xuân, Cát Bi, Nội Bài có tới trên 30 chuyến bay đi và đến bị ảnh hưởng dây chuyền không thể cất và hạ cánh .
Ngoài ra, trong các tháng mùa hè KKL cũng làm một trong những nguyên nhân kích động, tạo điều kiện hình thành dông mưa với cường độ rất dữ dội kèm theo gió giật, gió mạnh, tố, lốc ảnh hưởng đến các sân bay miền Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung.
Nhìn chung, để đảm bảo an toàn bay, mỗi sân bay đều phải tuân thủ các điều kiện khai thác tiêu chuẩn tối thiểu riêng biệt về độ cao chân mây thấp nhất, tầm nhìn ngang cũng như khả năng tiếp thu tàu bay phụ thuộc vào tốc độ gió xuôi, gió cạnh, gió giật. Nếu điều kiện thời tiết xấu dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái thì hoạt động khai thác cất hạ cánh của các hãng hàng không sẽ không được phép thực hiện.
Hiện nay, bằng việc kết hợp nhiều phương pháp dự báo như: Synop, thống kê, mô hình số và các công cụ dự báo như: ảnh mây vệ tinh, sản phẩm Radar thời tiết tiên tiến,.. nên việc theo dõi và dự báo sự xâm nhập của KKL ảnh hưởng tới Việt Nam ngày càng chính xác, nâng cao chất lượng trong phục vụ hoạt động bay trong ngành hàng không, góp phần vào bảo đảm hoạt động bay An toàn - Điều hòa - Hiệu quả. /.
(vatm.vn)
Chiều ngày 06/9/2024, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI) tại Cảng HKQT Nội Bài. Cùng đi với Phó Cục trưởng có đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục HKVN.
Cảng HKQT Đà Nẵng vừa tổ chức buổi thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại nhà Volt, một trong những cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại Cảng.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vừa tổ chức chương trình Diễn tập cấp cơ sở về PCCC&CNCH năm 2024 tại khu vực Nhà xe hai bánh nội bộ, ga Quốc tế.
Cục Hàng không Việt Nam vừa tổ chức khóa tập huấn “Quản lý khủng hoảng an ninh hàng không” tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.