Tuyên truyền phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ Sáu, 26/06/2015 - 09:05 GMT+7

Sáng ngày 28/02/2011, tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cán bộ, nhân viên khối cơ quan Cục Hàng không Việt Nam.Đến dự Hội nghị có Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, Giáo sư- Tiến sĩ- Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ.

Sáng ngày 28/02/2011, tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cán bộ, nhân viên khối cơ quan Cục Hàng không Việt Nam.
Đến dự Hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, Giáo sư- Tiến sĩ- Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ.
Báo cáo viên Dương Đăng Huệ trình bày tại Hội nghị
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Đây là một đạo luật mới, quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại..
Luật qui định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần mà thuộc các trường hợp đã được qui định trong Luật thì Nhà nước phải bồi thường.
 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính được quy định tại Điều 13 của Luật theo nguyên tắc kịp thời, công khai, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ; được trả một lần bằng tiền trừ khi các bên có sự thỏa thuận khác. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong một số trường hợp: Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh; Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép; Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất; Áp dụng thủ tục hải quan; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ; Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện…
Trong một số trường hợp như: do lỗi của người bị thiệt hại hoặc người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì Nhà nước không bồi thường thiệt hại.
 Khi người thi hành công vụ có lỗi, gây ra thiệt hại thì phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Điều 56). Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Còn cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định như sau:
a) Trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại;
c) Trường hợp có sự uỷ quyền hoặc uỷ thác thực hiện công vụ thì cơ quan uỷ quyền hoặc cơ quan uỷ thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền, ủy thác gây thiệt hại thì cơ quan này là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
d) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
đ) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan trung ương và cơ quan địa phương cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan trung ương là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Việc xây dựng và ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là thực hiện tốt hơn trách nhiệm của Nhà nước ta trước công dân, thể hiện tính dân chủ trong đời sống xã hội, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại để nhằm tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, mặt khác, góp phần tăng cường, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực thi công vụ của công chức nước ta hiện nay ./.
BBT
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website