Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã trình Bộ GTVT ký ban hành 2 Thông tư; trình 2 Dự thảo Nghị định, xin rút 1 Nghị định ra khỏi Chương trình xây dựng VBQPPL 2016; trình Bộ trưởng Bộ GTVT 3 Dự thảo Thông tư; Xây dựng, trình 3 Dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính ban hành; tiếp tục phối hợp hoàn thiện 1 Dự thảo Thông tư liên tịch Bộ GTVT- Bộ Tài nguyên & môi trường.
Qua thực tiễn hoạt động 6 tháng đầu năm, công tác đảm bảo an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay cơ bản được đảm bảo theo đúng kế hoạch và mục tiêu an toàn đề ra. Mọi mặt hoạt động bao gồm công tác cấp phép tổ chức, cá nhân; công tác kiểm tra giám sát và công tác xây dựng, kiến nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra; công tác huấn luyện đào tạo theo dự án nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không nhằm đáp ứng mức I (CAT I) của FAA cơ bản hoàn thành và đã xây dựng được đội ngũ huấn luyện viên (instructor) đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyển giao, huấn luyện nội bộ.
6 tháng đầu năm, công tác bảo đảm an ninh hàng không đã được thực hiện tốt, đúng kế hoạch, không để xảy ra các vụ việc uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu, Sổ tay hướng dẫn về công tác an ninh hàng không là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng không dân dụng; công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác an ninh hàng không đã được chú trọng, là tiền đề cho việc từng bước xây dựng và hoàn thiện Văn hóa an toàn hàng không; công tác phê duyệt, chấp thuận chương trình, quy chế an ninh hàng không đã được đơn vị tích cực, chủ động triển khai theo kế hoạch.
Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác an ninh hàng không, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngày càng được nâng cao.
Hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không đã chú trọng đến chất lượng đội ngũ Giám sát viên an ninh hàng không bằng việc rà soát, đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo huấn luyện trong giai đoạn 2016 – 2017 để nâng cao năng lực giám sát ANHK.
Công tác quản lý chất lượng dịch vụ hàng không 6 tháng đầu năm 2016 đã được cải thiện; tuy nhiên tỉ lệ chậm hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được quan tâm thông qua việc tổ chức các Hội nghị và thường xuyên đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong và ngoài ngành Hàng không có nhiều nguyên nhân, thuộc thẩm quyền và lĩnh vực của nhiều cơ quan khác nhau do vậy các giải pháp còn chưa đồng bộ nên hiệu quả còn chưa cao.
Công tác cải cách hành chính của Cục HKVN trong những tháng đầu năm được triển khai tích cực ở các nội dung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo Luật Hàng không và quy định quốc tế về hàng không.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan dự họp, các Phó Cục trưởng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh yêu cầu:
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, trên nguyên tắc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là năng lực giám sát an toàn của Cục HKVN với tư cách là nhà chức trách hàng không, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ để giảm thiểu tối đa sự cố uy hiếp an toàn; không để xảy ra tai nạn và sự cố nghiêm trọng; chỉ số uy hiếp an toàn năm 2016 thấp hơn năm 2015. Chấn chỉnh công tác huấn luyện, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, huấn luyện giám sát viên an ninh, an toàn hàng không trên cơ sở phân định rõ giáo trình, phương pháp, đối tượng huấn luyện cụ thể, phân định rõ nội dung đào tạo, huấn luyện giám sát viên an toàn của nhà chức trách hàng không.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh yêu cầu các đơn vị tăng cường đổi mới, thay đổi tư duy, phương thức chỉ đạo điều hành, phân công nhiệm vụ; nâng tầm trách nhiệm quản lý của cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp trưởng trong xử lý công việc, phải trực tiếp rà soát văn bản trước khi trình lãnh đạo Cục; đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể; tổ chức đào tạo, tự đào tạo cho cán bộ, công chức của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Để giữ vững vị thế của Cục HKVN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng không dân dụng, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tăng cường rà soát lại hệ thống quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, đặc biệt là hệ thống quy hoạch cảng hàng không, sân bay để tiếp tục triển khai thực hiện và kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển ngày càng tăng nhanh của ngành hàng không dân dụng và định hướng cơ cấu các lĩnh vực vận tải hiện nay; rà soát trách nhiệm của Cục HKVN trong việc quản lý thực hiện quy hoạch để thực hiện nghiêm.
Về công tác quản lý vận tải hàng không, đặc biệt là quản lý đội tàu bay có vai trò quan trọng, chi phối các lĩnh vực khác, cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí để thẩm định, tham mưu quản lý kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, gắn với năng lực giám sát an toàn của Cục HKVN, năng lực bảo đảm kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, năng lực cung cấp dịch vụ hàng không và các yếu tố có liên quan để triển khai ngay sau khi các quy định của pháp luật có liên quan tới lĩnh vực này có hiệu lực thi hành.
Cục trưởng yêu cầu các phòng ban chủ động nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý khai thác khu bay của cảng hàng không, sân bay phù hợp với xu hướng xã hội hóa và điều kiện cổ phần hóa Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.
Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đổi mới công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng không; lưu ý, việc đào tạo nguồn nhân lực phải xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, các hãng hàng không. Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không; chỉ đạo, định hướng công tác huấn luyện, đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam trong giai đoạn hiện nay theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, chủ trì công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành hàng không trong việc đào tạo nhân viên ngành hàng không. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành hàng không Việt Nam đã được phê duyệt.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, xây dựng Đề án Hội nhập quốc tế đối với tất cả các lĩnh vực hàng không, đặc biệt lưu ý định hướng chuyên môn của Cục HKVN trong hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác.
Bảo Anh