Về thăm Lũng Cò - sân bay quốc tế đầu tiên của Cách mạng Việt Nam

Thứ Ba, 15/12/2015 - 22:47 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/01/1956-15/01/2016), ngày 13/12/2015, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức chương trình Về nguồn cho các cán bộ lão thành của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.



Hơn 45 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, các cán bộ cấp Cục, vụ, viện thuộc Tổng cục Hàng không Việt Nam thời điểm trước năm 1990 và các lãnh đạo có công với sự phát triển ngành Hàng không và thanh niên tiêu biểu của ngành Hàng không đã có những phút giây trang trọng, thiêng liêng, ôn lại một thời quá khứ hào hùng của dân tộc tại cụm di tích cách mạng Việt Nam ở Tuyên Quang và Thái Nguyên. Nhưng có lẽ điểm tham quan xúc động nhất là tại sân bay Lũng Cò - sân bay quốc tế cách mạng đầu tiên của đất nước ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Di tích sân bay Lũng Cò – nơi mà cách đây 71 năm, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng một sân bay dã chiến để đón tiếp quân đội Đồng Minh trợ giúp Cách mạng Việt Nam chống lại phát xít Nhật, góp phần quan trọng vào tuyên bố sự tham gia trực tiếp của Cách mạng Việt Nam vào sự nghiệp chống phát xít của thế giới. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, là cơ sở vật chất ban đầu từ thủa sơ khai, đánh dấu sự ra đời của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Tại di tích sân bay Lũng Cò, tất cả các cán bộ lão thành, cán bộ, đoàn viên, thanh niên của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã nghiêm cẩn chào cờ, tưởng nhớ và tri ân đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam và luôn chăm lo xây dựng và phát triển Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam; tưởng nhớ và tri ân các vị lãnh đạo tiền bối; các anh hùng liệt sỹ, các cán bộ, chiến sỹ Ngành hàng không dân dụng Việt Nam qua các thời kỳ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh  giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự trưởng thành, lớn mạnh của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trong suốt 60 năm qua; tưởng nhớ và tri ân đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, xã Minh Thanh, cái nôi của Cách mạng đã đùm bọc, che chở, giúp đỡ xây dựng sân bay Lũng Cò.



Sân bay Lũng Cò thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Nằm trong một thung lũng hẹp, bốn xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi và những quả đồi thấp cây cối um tùm, rậm rạp, có thể coi đây là vị trí thuận lợi nhất quanh khu vực Tân Trào lúc bấy giờ để xây dựng một sân bay dã chiến tiếp nhận máy bay trở hàng viện trợ của quân Đồng Minh.
Đầu năm 1945, máy bay của trung uý Sam (phi công lực lượng không quân Mỹ), bị lực lượng phòng không của Nhật bắn rơi và đã nhảy dù xuống Cao Bằng. Trung uý Sam được du kích ta cứu thoát và đưa về gặp Bác Hồ. Trước sự việc ấy cùng với sự ngỏ ý muốn quan hệ với Việt Minh của tướng Sênôn (Tư lệnh đoàn không quân số 14), Bác Hồ đã đồng ý đưa trung uý Sam sang Trung Quốc để trao trả cho quân Đồng Minh.
Ngày 29-3-1945, tại Côn Minh (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sênôn đại diện cho quân Đồng Minh. Trong buổi hội đàm, hai bên đã thoả thuận, về phía Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này, ngược lại phía Mỹ có trách nhiệm đưa các phái đoàn quân sự sang giúp đỡ Việt Nam huấn luyện quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Việc xây dựng một sân bay để bảo đảm liên lạc giữa hai bên và viện trợ từ quân Đồng Minh cũng đã được bàn đến trong cuộc hội đàm này.
Do diễn biến của tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi lớn có lợi cho ta, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, đầu tháng 5 năm 1945, Bác Hồ dời căn cứ Pác Bó (Cao Bằng), về Tân Trào (Tuyên Quang), tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi về Tân Trào, ngay lập tức kế hoạch xây dựng một sân bay dã chiến đã được Bác vạch ra.
Bước sang tháng 6 năm 1945, Bác chỉ đạo cho đồng chí Lê Giản và đồng chí Đàm Quang Trung, chọn địa điểm và thực hiện kế hoạch xây dựng sân bay ngay, phối hợp với hai đồng chí còn có một thiếu tá quân sự Mỹ thuộc lực lượng cứu trợ không quân Mỹ (AGAS). Nhận được chỉ thị, hai đồng chí cùng cố vấn Mỹ lên Lũng Cò xem xét địa thế và đã chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng sân bay, vì ở Lũng Cò có một dải đất rộng khoảng 4 ha nằm giữa khe núi bảo đảm an toàn cho các chuyến bay lên xuống thuận tiện, và Lũng Cò cách căn cứ Tân Trào không xa, do vậy có thể coi đây là đắc địa cho việc xây dựng sân bay.
Vào giữa tháng 6 năm 1945, Bác Hồ đã lên Lũng Cò để xem xét địa điểm. Bác đã đồng ý xây dựng sân bay tại đây. Bắt tay vào công việc, những đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng sân bay đã vận động khoảng 200 người dân địa phương tại các xã xung quanh là Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội. Ban đầu mọi người dự định phải mất khoảng một tuần thì công việc mới hoàn tất được, nhưng với tinh thần cố gắng hết mình, chỉ sau hai ngày phát dọn, san gạt, đầm, một sân bay dã chiến đã hình thành. Sân bay có chiều dài 400m và rộng 20m, đường băng của sân bay trải dài theo hướng Nam-Bắc, đầu hướng Nam là nơi máy bay hạ cánh, phía cuối đường bay ở phía Bắc có cây cối um tùm là nơi cất giấu máy bay, để báo hiệu cho máy bay mỗi lần hạ cánh. Các cán bộ ở đây đã cắm những lá cờ trắng ở hai bên làm hoa tiêu, loại máy bay L5 của Mỹ có thể hạ và cất cánh an toàn. Đây là sân bay đầu tiên do chính bàn tay và khối óc của chúng ta làm nên và cũng có thể coi đây là "Sân bay quốc tế đầu tiên của Cách mạng Việt Nam".
Chiếc máy bay hạ cánh đầu tiên xuống sân bay có hai sỹ quan Đồng Minh và một số lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí tăng cường cho ta và quân Đồng Minh tại Tân Trào. Trong lần hạ cánh đầu tiên, đồng chí Lê Giản và đồng chí Đàm Quang Trung cùng với nhân dân địa phương tổ chức mít-tinh chào mừng sự kiện này. Trong buổi mít-tinh mọi người đã hô vang khẩu hiệu hợp tác giữa Việt Minh và Đồng Minh trên mặt trận chống phát xít Nhật. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh ở và làm việc tại Tân Trào, đã có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây.
Cuối tháng 7-1945, Bác Hồ đã đến Lũng Cò và ở nhà ông Ma Văn Yến khoảng 10 ngày để chỉ đạo việc phục vụ và tiếp đón những chuyến bay của quân Đồng Minh. Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Giản và một tiểu đội bảo vệ. Ở với Bác trong căn nhà này còn có tám người lính Đồng Minh, trong số những người lính Đồng Minh có người đã được đặt tên Việt Nam là Nguyễn làm nhiệm kỹ thuật khi máy bay cất và hạ cánh.
Vì vậy có thể nói, sân bay Lũng Cò là sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam, việc đón nhận sự ủng hộ từ quân Đồng Minh của Đảng lúc bấy giờ là hết sức cần thiết, nó thể hiện sự sáng suốt của Đảng trong việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài cho cách mạng Việt Nam. Sân bay Lũng Cò là nơi trực tiếp đón nhận những chuyến hàng viện trợ, ngoài ra sân bay Lũng Cò còn là nơi Chính phủ  thực hiện nhiệm vụ quốc tế là đưa những người Pháp bị Nhật cầm tù ở Tam Đảo trở về nước vào cuối tháng 7 năm 1945. Là nơi duy nhất ở ATK - Việt Bắc đón và nhận sự ủng hộ của quân Đồng Minh bằng đường không và là sân bay quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Dù chỉ được xây dựng và sử dụng chỉ trong gần 2 tháng (từ tháng 6 - 8/1945), nhưng sân bay Lũng Cò đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam. Từ sân bay Lũng Cò, cơ sở vật chất sơ khai của những ngày đầu Cách mạng Tháng 8, Hàng không dân dụng Việt Nam đã từng bước trưởng thành trong chiến đấu và xây dựng.

Một số hình ảnh của chuyến đi Về nguồn của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam tại cụm di tích cách mạng Việt Nam ở Tuyên Quang và Thái Nguyên:










P.V

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website