Không xảy ra trộm cắp hàng hóa vận chuyển đường hàng không
Công tác phòng chống mất cắp hành lý, hàng hóa và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường tại tất cả các đơn vị có liên quan trong ngành hàng không.
Cục HKVN tham gia đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi, hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không; rà soát Kế hoạch 1268/CHK-ANHK ngày 17/3/2015 về phòng, chống mất cắp tài sản trong hành lý, hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và Hướng dẫn số 3798/HD-CHK ngày 30/7/2015 về việc hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không sân bay để đánh giá, điều chỉnh phù hợp tình hình mới và nâng cao hiệu quả công tác này.
Các cảng vụ hàng không giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác phòng chống trộm cắp tại các hầm hàng tàu bay, khu vực phân loại hành lý và giám sát nhân viên kiểm soát ANHK kiểm thể ngẫu nhiên đối với nhân viên bốc xếp, vệ sinh, lái xe tại khu vực này; phối hợp với nhân viên kiểm soát ANHK kiểm tra tủ đựng đồ cá nhân, vị trí tập kết rác để phân loại của bộ phận vệ sinh tàu bay, giám sát lực lượng kiểm soát ANHK kiểm tra đồ cá nhân của nhân viên các đơn vị khi ra khỏi khu vực hạn chế của cảng hàng không.
Các hãng hàng không phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường khuyến cáo hành khách không để vật dụng quý giá, giấy tờ quan trọng trong hành lý ký gửi khi làm thủ tục hàng không.
Một số đơn vị đã lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát khu vực chất xếp hành lý, hàng hóa (Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã lắp đặt bổ sung 22 camera, Công ty NCTS: lắp đặt bổ sung 120 camera và thiết bị giám sát hành trình cho 100% các phương tiện hoạt động tại sân đỗ tàu bay, hoàn thành lắp đặt thiết bị cảnh báo đột nhập tại khu vực kho bảo quản hàng hóa xuất, nhà ga hàng hóa).
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trộm cắp tài sản trong hành lý, hàng hóa tại tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành hàng không nên số vụ hành khách khai báo mất tài sản trong hành lý ký gửi là 61 vụ (giảm 125 vụ (giảm 67%) so với quý I năm 2015). Trong 3 tháng đầu năm, không xảy ra vụ việc trộm cắp hàng hóa vận chuyển đường hàng không.
Tuy nhiên, vụ việc hành khách vi phạm quy định về bảo đảm ANHK tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015 (do số vụ việc hành khách gây rối; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay và xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế cảng hàng không tăng). Số vụ hành khách tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ và hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái quy định giảm nhẹ.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh hàng không
Trong quý I/2016, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa nhà ga hành khách cảng hàng không Thọ Xuân vào hoạt động, tiến hành đầu tư, trang bị thêm: 02 máy soi xách tay, 02 cổng từ, 03 garret, 01 máy soi ký gửi, 01 hệ thống giám sát camera (gồm 29 camera); lắp đặt thêm 08 đầu thu camera giám sát an ninh tại cảng hàng không Phù Cát; báo cáo Ủy ban ANHKDDQG hiện trạng cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị tại các Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy của các cảng hàng không.
Hãng hàng không Jetstar Pacific đã lắp đặt 13 camera giám sát di động tại các khu vực làm thủ tục hàng không, cửa ra tàu bay, băng chuyền hành lý ký gửi tại CHKQT Tân Sơn Nhất.
Các cảng hàng không quốc tế đã được trang bị khá đồng bộ về thiết bị thông tin đáp ứng phục vụ nhu cầu hoạt động của cảng. ACV đã ban hành Chỉ thị vể tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không tại các cảng hàng không, trong đó chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy chế sử dụng hệ thống thông tin chuyên ngành, thiết bị CNTT tại Cảng; nâng cấp hệ thống thiết bị thông tin để đảm bảo sự đồng bộ, ổn định; nâng cấp thiết bị dự phòng hoặc thiết bị bảo mật ở mức độ cao hơn; thường xuyên tổ chức cập nhật, đào tạo cho các nhân viên, chuyên viên về công nghệ thông tin để cập nhật công nghệ mới, sau đó đến người sử dụng đầu cuối.
VNA thực hiện rà soát Danh mục khuyến cáo an ninh công nghệ thông tin (CNTT) theo tài liệu của Boeing (ANSOG) và Airbus (Security Handbook) cung cấp nhằm nhận diện, đánh giá rủi ro các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh CNTT phục vụ khai thác tàu bay B787 và A350; giám sát và ngăn chặn các website, phiên bản có chứa mã độc hoặc có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam tấn công, can thiệp vào hệ thống CNTT của VNA.
Các hãng hàng không khác cũng đã và đang xây dựng các quy định về bảo vệ, quản lý, sử dụng hệ thống thông tin để chống lại hành vi truy cập, can thiệp trái phép gây mất an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng, đánh cắp và làm sai lệch thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; bảo vệ hệ thống máy chủ trong khu vực riêng, việc vào, ra và hoạt động trong khu vực đó được kiểm soát và hạn chế bởi an ninh canh gác và thẻ từ; đảm bảo kiểm soát và giám sát liên tục việc truy cập vào hệ thống; sử dụng hệ thống dự phòng đề phòng trường hợp hệ thống chính bị trục trặc.
Trong thời gian tới, Cục HKVN tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao năng lực bảo đảm ANHK dân dụng; Kiểm tra việc tuân thủ chương trình, quy chế ANHK cảng hàng không, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không theo kế hoạch kiểm soát chất lượng; Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống mất cắp hành lý, hàng hoá, đồng thời rà soát, đánh giá, sửa đổi những quy định chưa phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này...
B.Anh