Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, thị trường trọng điểm

Thứ Sáu, 05/01/2018 - 17:05 GMT+7

Nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.

Mục tiêu của Đề án là nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi... của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Phát triển hoạt động hàng không  với hoạt động du lịch để đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới tư duy, tận dụng mọi cơ hội phát triển, nhưng phải tính toán, đảm bảo phát triển bền vững. Gắn phát triển hàng không – du lịch, hội nhập quốc tế với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và an toàn cho du khách.

Đề án nêu rõ định hướng phát triển đường bay và vùng sản phẩm du lịch tới từng thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp hàng không của Việt Nam.

Với điểm đến Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi khai thác đến Trung Quốc liên quan đến giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không Trung Quốc, tối ưu hóa đường bay không lưu.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay mới từ Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ... đến Trùng Khánh, Đại Liên, Hải Khẩu, Vũ Hán, Ninh Ba, Hải Nam, Tây An, Trường Xuân, Phúc Châu, Quế Lâm, Quý Dương, Cáp Nhĩ Tân, Lan Châu, Thẩm Dương, Hạ Môn, Tây Song Bản Nạp, Trịnh Châu...; tăng tải cung ứng (tăng tần suất, sử dụng tàu bay thân rộng) trên các đường bay tới các cảng hàng không cửa ngõ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô.

Với thị trường Nhật Bản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Nhật Bản để bổ sung các thỏa thuận về khai thác đến cảng hàng không Ha- ne – đa; thủ đô Tô- ky- ô. Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay từ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt… đến Tô - ky -ô, Ô- sa- ka; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại đến Tô -ky-ô, Ô-sa-ka, Na-gô-ya, Phu-ku-ô-ka.

Với thị trường Hàn Quốc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Hàn Quốc để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt  Nam khi khai thác đến Hàn Quốc liên quan đến giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không Hàn Quốc. Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay từ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ… đến Xơ-un; mở mới đường bay từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Chê-zu; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại đến Xơ-un và  Bu-xan.

 (Ảnh: sưu tầm)

Về định hướng phát triển đường bay đến Thái Lan, đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay từ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ … đến Băng- Cốc; mở mới đường bay từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Chiềng Mai, Phù Kẹt; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại đến Băng Cốc.

Định hướng phát triển đường bay đến Ma-lai- xi –a, tới năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay từ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ… đến Kua-la-lăm-pơ; mở mới đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Pê- năng; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại đến Kua-la-lăm-pơ.

Đối với định hướng phát triển đường bay đến Úc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Úc để bổ sung các thỏa thuận về  khai thác đến các thành phố Xít-ni, Men-bơn, Brít-ben và Pớt. Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay từ Hà Nội đến Men-bơn, thành phố Hồ Chí Minh đến Brít-ben, Pớt; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đến Xít-ni, Men-bơn và Hà Nội đến Xít-ni.

Về định hướng phát triển đường bay đến Nga, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Nga để bổ sung các thỏa thuận liên quan đến mở rộng Bảng đường bay khai thác được phép đến các thành phố tại Nga và nước thứ ba.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay đến Ê-ka-te-rin-buốc, Vla-đi-vốt-tốc; mở mới đường bay giữa Đà Nẵng và Nga; khai thác lại đường bay Nha Trang đến Mat-xcơ-va; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Mat-xcơ-va.

Về định hướng phát triển đường bay đến Hoa Kỳ, Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây nước Hoa Kỳ (Xan Fran- xít-cô hoặc Lốt An -ge-lét) vào năm 2018.

Với định hướng phát triển đường bay đến Ấn Độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi lập kế hoạch khai thác đến Ấn Độ liên quan đến công tác cấp phép bay. Đến năm 2020, các hãng hàng không mở mới đường bay quốc tế thường lệ từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Đê-li, Mum-bai và thực hiện các chuyến bay thuê chuyến đến Goa, Gaya, Varanasi…

Định hướng phát triển đường bay đến Anh, đến năm 2020 các hãng hàng không tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Luân Đôn để tăng cường kết nối các phương tiện vận tải mặt đất tới các điểm khác tại Anh và châu Âu.

Đối với định hướng phát triển đường bay đến Pháp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không để bổ sung các thỏa thuận về khai thác giữa hai nước. Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam tăng tần suất trên hai đường bay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Pa- ri để tăng cường kết nối các phương tiện vận tải mặt đất tới các điểm khác tại Pháp và châu Âu.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Đức để bổ sung các thỏa thuận về khai thác giữa hai nước. Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay đến Béc-lin và tăng tần suất trên hai đường bay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Phrăng- phuốc để tăng cường kết nối các phương tiện vận tải mặt đất tới các điểm khác tại Pháp và châu Âu.

(Ban Biên tập)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website