Chưa thể “chốt” thời điểm mở lại đường bay quốc tế

Thứ Tư, 03/06/2020 - 11:25 GMT+7

Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam tại tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế” diễn ra chiều ngày 30 tháng 5 năm 2020.

Trả lời câu hỏi Tương lai của hàng không thế nào hậu Covid-19”, Phó Cục trưởng Võ Huy Cường nói: Hãy đến sân bay.

“Tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay địa phương khác, hoạt động hàng không nội địa rất nhộn nhịp. Đó là câu khẳng định: Hàng không sẽ không chết yểu”, ông Cường nói và nhấn mạnh: Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Tuyệt đối không có việc gây khó khăn trong việc phân bổ.

"Tôi hy vọng các bạn trải nghiệm việc phải chờ, xếp hàng trong niềm vui, vì chúng ta đã thấy hình bóng của ngành hàng không trước khi có dịch. Hiện nay có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. Những đường bay mới có tuyến bay mới khởi động. Thị trường khách quốc tế chưa đạt 50%. So với 2019, thị trường thị phần trên dưới 50% cho nội địa và còn lại là quốc tế", ông Cường nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế cho biết ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi.

Ông hy vọng, tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc.

“Hiện tại, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu châm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa. Thị trường nội địa chính là cơn mưa đầu tiên để hàng không “đâm chồi, nảy lộc sau dịch”, ông Lịch nói.

Liên quan đến việc mở cửa trở lại đường bay quốc tế, Phó Cục trưởng Võ Huy Cường nhấn mạnh: Thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi.

Mặc dù chưa chắc chắn khi nào sẽ mở cửa trở lại nhưng lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết phải luôn sẵn sàng khi kiểm soát được dịch bệnh, khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ.

“Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, chưa có thuốc chống Covid-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong. Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19” - ông Cường thông tin.

Hướng tới thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á

Đây là gợi ý của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khi nói về việc bầu trời “mở cửa” trở lại, khơi thông cho ngành du lịch, kinh tế. “Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á.

“Cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu” - ông Nghĩa cho biết và nói thêm rằng: Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý các doanh nghiệp không nên giảm giá vô hạn. Ngoài giảm giá, ngành du lịch còn phụ thuộc vào lịch học sinh nghỉ hè dài vì người Việt đi du lịch theo lịch học của trẻ con, nhiều gia đình đi du lịch vì chiều con là chính. Trong khi đó, du lịch với khách quốc tế gắn với di sản văn hóa. Hiện nay, những điểm đến du lịch di sản dành cho khách quốc tế vắng khách. Ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được.

“Chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam.

Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn.

“Hiện nay, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam”, ông Nghĩa thông tin./.

(Nguồn:baogiaothong.vn)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website