Xảy ra 6 vụ chiếu đèn laze vào tàu bay khi đang hạ cánh
Vụ việc thứ nhất xảy ra vào ngày 15/02/2016, tại sân bay Pleiku (Gia Lai) khi tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh đã xảy ra tình trạng buồng lái bị chiếu ánh sáng laze gây chói mắt phi công, phi công đã điều khiển tàu bay hạ cánh an toàn.
Vụ việc thứ hai là ngày 28/5/2016, khi đang tiếp cận hạ cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, tổ bay VN1189 chặng bay Hải Phòng - thành phố Hồ Chí Minh đã bị tia laze chiếu vào buồng lái, phi công kịp thời ứng phó và điều khiển tàu bay hạ cánh an toàn.
Vụ việc thứ ba là vào hồi 19h40 ngày 02/6/2016, khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện một số chuyến bay quân sự - Trung đoàn 921 phát hiện có hiện tượng sử dụng đèn chiếu tia laze tại khu vực xã Mai Đình, phía Tây Nam Cảng HKQT Nội Bài. Cảng HKQT Nội Bài đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra khu vực này nhưng không phát hiện đối tượng sử dụng, đến 22h00 hoạt động bay quân sự kết thúc bảo đảm an toàn.
Thế giới ghi nhận nhiều vụ chiếu laser vào máy bay trước và sau khi hạ cánh. Ảnh: Transport Canada Vụ việc thứ tư xảy ra vào hồi 22h04 ngày 11/6/2016, tổ bay VN7168, chặng bay Đà Nẵng - Hà Nội đang tiếp cận hạ cánh, phát hiện có đèn chiếu tia laze hướng 280 độ về phía Tây, cách Cảng HKQT Nội Bài khoảng 40km.
Vụ việc thứ năm là vào hồi 21h50 ngày 12/6/2016, tổ bay VN1554, chặng bay Cam Ranh - Hà Nội, khi đang tiếp cận hạ cánh phát hiện tại vị trí cách đầu đường CHC 11R khoảng 5 - 6km (từ phía bên phải trục đường CHC 11R khoảng 300m, lúc tàu bay đang ở độ cao khoảng 365,76 m) có hiện tượng đèn laze màu xanh chiếu lên buồng lái, phi công điều khiển tàu bay hạ cánh an toàn.
Vụ việc thứ sáu xảy ra vào hồi 20h39 ngày 14/6/2016, tổ bay VJ174, chặng bay Tp Hồ Chí Minh - Hà Nội phát hiện có đèn laze màu xanh chiếu vào tàu bay vị trí hướng 265 độ, cách Đài kiểm soát không lưu Nội Bài khoảng 27km về phía Tây.
Việc chiếu tia laze vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh như các vụ việc nêu trên tuy chưa gây hậu quả nhưng có thể ảnh hưởng đối với sự tập trung của phi công, gây uy hiếp an toàn hoạt động của tàu bay.
Dùng đèn chiếu laze gần sân bay phải xin phép chính quyền địa phương
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo các quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laze làm ảnh hưởng hoạt động bay về bức xạ laze và an toàn bay, quy định vùng bảo vệ cho hoạt động bay với chỉ số các mức phát xạ tối đa của các chùm laze nhìn được 50 nW/cm2 với bán kính tính xung quanh sân bay là 18.500m và độ cao là 600m.
Tại Việt Nam, tia laze được coi như một loại công cụ hỗ trợ và được quản lý, sử dụng theo quy định của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Mục a khoản 9 Điều 3 của Pháp lệnh đã quy định rõ, công cụ hỗ trợ gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này”.
Khoản 4 Điều 4 quy định: “Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng.”
Việc chiếu tia laze gần khu vực cảng hàng không, sân bay sẽ gây uy hiếp an toàn hoạt động của tàu bay
Để đảm bảo tuyệt đối hoạt động an toàn bay hàng không dân dụng và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (ANHK) yêu cầu:
Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương (CHKNHK) tham mưu cho Trưởng ban CHKNHK chỉ đạo cơ quan công an địa phương xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, phát hiện và có biện pháp khuyến cáo tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực Cảng hàng không, sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laze gây nguy hiểm cho hoạt động bay.
Trưởng ban CHKNHK chỉ đạo cơ quan các cơ quan chức năng, cơ quan thường trực Ban CHKNHK phối hợp với Cảng hàng không, sân bay và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền về nguy hại của việc sử dụng tia laze chiếu vào tàu bay khi đang trong quá trình cất cánh hoặc hạ cánh, các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tia laze…
Các Cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp với đại diện cảng vụ hàng không và đài kiểm soát không lưu chủ động phát hiện hiện tượng sử dụng đèn chiếu tia laze chiếu vào khu vực có tàu bay hoạt động để có các biện pháp ngăn ngừa kịp thời; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật, khả năng nguy hại uy hiếp hoạt động bay đến người dân xung quanh và hành khách tham gia giao thông hàng không.
Các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các sự kiện gần khu vực cảng hàng không, sân bay có sử dụng các loại đèn chiếu laze phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với nhà chức trách hàng không tại cảng hàng không, sân bay đó.
Bảo Anh