Báo cáo với Bộ trưởng, ông Dương Cao Thái Nguyên cho biết từ năm 2009 đến nay Học viện Hàng không (HVHK) Việt Nam đã đào tạo gần 11 nghìn sinh viên, trong đó hệ Đại học chiếm 31,64%. Đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành hàng không trong nước. Hàng năm, HVHK đều có các chương trình phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động để đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Những sinh viên tốt nghiệp từ Học viện đều được các doanh nghiệp đánh giá cao về chuyên môn. HVHK thường tổ chức cho cán bộ giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ.
Ông Nguyên cũng thừa nhận là việc đào tạo nhân lực của Học viện so với nhu cầu thị trường là chưa tương xứng. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có cơ chế phù hợp nhằm tận dụng các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hoạt động đào tạo. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với Học viện chỉ mang tính hỗ trợ, chưa mang tính liên kết, hợp tác sâu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban giám đốc HVHK Việt Nam phải thay đổi tư duy, cách quản lý, có chí hướng xây dựng
Học viện thành trung tâm đào tạo nhân lực hàng không tầm cỡTại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận những đóng góp rất quan trọng của HVHK trong thời gian qua. Học viện đã đào tạo ra nhiều cán bộ phục vụ cho ngành hàng không, nhiều người trong đó đã trở thành lãnh đạo của những hãng hàng không lớn trong nước hiện nay. Tuy vậy, so với nhu cầu nguồn lực thì việc đào tạo của Học viện vẫn còn chưa đáp ứng đủ. Một số ngành trong đó có ngành phi công hiện nay vẫn phải đào tạo từ nước ngoài. Bộ trưởng Thăng cho biết, sắp tới đây nhiều cảng hàng không sẽ được nâng cấp, CHKQT Long Thành được xây dựng, các hãng hàng không sẽ tăng thêm tàu bay… vì vậy, nhu cầu lao động cho ngành Hàng không là rất lớn.
Bộ trưởng yêu cầu Ban giám đốc Học viện phải quán triệt tinh thần trong toàn bộ cán bộ nhân viên, giảng viên phải quyết tâm xây dựng HVHK Việt Nam thành trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước về các ngành nghề hàng không. Để làm được điều đó, Học viện phải xây dựng được mục tiêu, kế hoạch đào tạo, đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu lao động ngành hàng không, những năm tiếp theo như thế nào. Từ đó Học viện mới có kế hoạch tuyển dụng giảng viên giỏi, trình độ cao.
Trong chiến lược phát triển, Bộ trưởng yêu cầu HVHK Việt Nam phải chú trọng vào những ngành nghề chính như: quản lý bay, phi công, kỹ sư sửa chữa tàu bay, quản lý khai thác nhà ga… Để làm được điều đó, yếu tố tiên quyết là phải tiến hành cổ phần hóa Học viện, thu hút nguồn vốn xã hội để đầu tư cơ sở hạ tầng. Phải xem đây là con đường để Học viện phát triển trong tương lại. Bộ trưởng yêu cầu chậm nhất trong một năm phải cổ phần hóa HVHK Việt Nam. “Ban giám đốc Học viện phải đổi mới tư duy, cách làm. Tập thể cán bộ, giảng viên phải có chí hướng, khát vọng để xây dựng HKHK Việt Nam thành Trung tâm đào tạo xứng tầm với khu vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet…cần có sự phối hợp, đặt hàng đào tạo với HVHK Việt Nam để đào tạo ra nhiều cán bộ ngành hàng không có chất lượng tốt.
Nguồn: baogiaothong.vn