Truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển ngành GTVT cho ông Nguyễn Đức Việt

Thứ Ba, 19/01/2016 - 21:56 GMT+7

Ngày 03/01/2016, Cục Hàng không Việt Nam và xã Phú Thành đã tổ chức Lễ truy tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành GTVT cho ông Nguyễn Đức Việt tại thôn Chùa, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Tới dự cuổi Lễ có đồng chí Đỗ Quang Việt - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục HKVN, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực, Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Cục HKVN; đồng chí Nguyễn Quang Minh – nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cục HKVN, đồng chí Nguyễn Đình Công – Phó TGĐ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Cục HKVN.  
Ông Nguyễn Đức Việt (tên thật là Verner Schulze) sinh năm 1920, vốn là phi công hàng binh người Đức, sau Thế chiến thứ II bị quân Pháp bắt và làm lính Lê Dương sang tham chiến tại Việt Nam. Cuối năm 1945, ông đã cùng một số binh sĩ chủ động chạy sang hàng ngũ Việt Minh, tình nguyện phục vụ quân đội cách mạng. Năm 1947, ông làm công tác địch vận ở Quân khu 2 sau đó được điều về Cục Quân giới trực tiếp sản xuất vũ khí cho quân đội ta. Do nắm chắc kỹ thuật quân sự, nên ông đã chế tạo ra đạn AT chống tăng mà quân ta rất cần. Thành tích ấy mang lại vinh dự lớn cho ông được gặp Bác Hồ. Bác đã tặng Verner Schulze một bộ quần áo lụa và cái tên Nguyễn Đức Việt cũng là do Bác đặt cho, với ý nghĩa xây dựng mối đoàn kết hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia Việt – Đức và ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Với mong muốn gắn bó lâu dài với cách mạng Việt Nam, năm 1947, ông Nguyễn Đức Việt đã kết hôn với bà Hoàng Thị Thành, dân tộc Tày quê ở Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) và đám cưới đã tổ chức ở sân bay Sơn Tây. Sau đó 1 năm tại chiến khu Việt Bắc, họ đã sinh con gái đầu lòng và được đặt tên là Nguyễn Việt Hoa, 2 năm sau đó một bé trai ra đời mang tên Nguyễn Đức Hồng..
Ngày 09/03/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức tiền thân của Không quân nhân dân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Việt là phi công am hiểu lĩnh vực hàng không nên được tham gia Ban Nghiên cứu Không quân.
Với 2 chiếc máy bay Morne và Tiger Moth thu được của thực dân Pháp – vốn quý duy nhất của Không quân Việt Nam ngày đầu non trẻ, ông Nguyễn Đức Việt cùng đồng đội rất quan tâm nghiên cứu hai chiếc máy bay và lên Chiêm Hóa – Tuyên Quang để nghiên cứu và bay thử chiếc Tiger Moth. Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ kể cả nguy hiểm đến tính mạng khi khai thác và bay thử những chiếc máy bay trên, ngày 15/8/1949, chiếc máy bay Tiger Moth sơn cờ đỏ sao vàng do đồng chí Nguyễn Đức Việt lái và đồng chí Đống thợ máy cùng bay đã cất cánh. Từ ấy, trên bầu trời Việt Nam, chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng đã đánh dấu mốc quan trọng quá trình phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam. 
Vào những năm 1949-1950, với vốn kiến thức được học cơ bản tại trường của quân đội Đức và kinh nghiệm thực tế trong chiến tranh thế giới thứ II, đồng chí Nguyễn Đức Việt đã có những bài giảng về lý thuyết, kỹ thuật hàng không, tổ chức sân bay hết sức sinh động, dễ hiểu truyền đạt đến lớp phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam. Không những giảng dạy, đồng chí còn tham gia dịch và viết nhiều cuốn sách nhận diện máy ta và địch; kỹ thuật bắn máy bay bằng súng trường tập trung. Đó là những tài liệu quý, thật hữu ích cho quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày gian khó. 
Năm 1955, sau khi tiếp quản sân bay Gia Lâm, đồng chí Nguyễn Đức Việt  đã điều hành sân bay hoạt động trong những ngày đầu đóng góp công sức, nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam sau này.
Đến năm 1956, đồng chí Nguyễn Đức Việt hồi hương về Cộng hòa dân chủ Đức, vì nhiều lý do nên bà Thành và hai người con đã không thể đi cùng. Đầu năm 1968, vợ con ông đã vui mừng nhận được bức điện của Bộ ngoại giao thông báo đồng chí Nguyễn Đức Việt sẽ sang Việt Nam dự lễ khánh thành triển lãm quân đội. Hồi hộp trông chờ nhưng ngày đó đã không đến. Ngày 01/7/1968, ông đã đột ngột từ trần trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của CHDC Đức. Đồng chí Nguyễn Đức Việt đã ra đi trước chuyến đi trở lại với vợ con, trở lại nước Việt Nam mà ông đã có nhiều đóng góp.
Để nghi nhận những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyễn Đức Việt, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành HKDDVN, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển ngành GTVT.
Trong buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển ngành GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức bàn giao công trình sửa chữa, nâng cấp nhà cho con gái của ông Nguyễn Đức Việt là bà Nguyễn Việt Hoa. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập ngành HKDDVN (15/01/1956 – 15/01/2016) với sự đóng góp của các đơn vị trong ngành Hàng không: Công đoàn Cục HKVN, Vietnam Airlines, TCT Quản lý bay VN, TCT Cảng hàng không VN, Jestar Pacific, Vietjet. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên TCT Cảng hàng không VN và Cục HKVN tặng 01 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng, Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục HKVN tặng một số vật dụng…
Dưới đây là một số hình ảnh lễ truy tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành GTVT và bàn giao công trình sửa chữa, nâng cấp nhà cho con gái ông Nguyễn Đức Việt: 








Tin, ảnh: Võ Nhàn


Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website