- Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Kính thưa đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Kính thưa đồng chí Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành trung ương; Thủ trưởng Tổng cục chính trị, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Kính thưa các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động
- Kính thưa các đồng chí lão thành ngành Giao thông vận tải, Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam qua các thời kỳ; đại diện gia đình các đồng chí có công với Cách mạng;
- Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, thủ trưởng các đơn vị thuộc lực lượng quân đội, công an
- Kính thưa các đồng chí đại biểu
- Kính thưa toàn thể các đồng chí.
Trong không khí tưng bừng cùng với cả nước ra sức lao động, học tập, cống hiến, lập thành tích hướng tới Đại hội Đảng lần thứ 12, thay mặt các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các đơn vị Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và bầy tỏ sự cám ơn sâu sắc tới các các đ/c lãnh đạo, các đồng chí đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí có mặt ngày hôm nay cùng hoà chung niềm vui, không khí tự hào, phấn khởi nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu!
Nói về lịch sử Ngành HKDDVN, chúng ta phải quay ngược về những tháng năm cả dân tộc Việt Nam sục sôi, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là tháng 6 năm 1945, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Sân bay Lũng Cò để đón tiếp quân Đồng Minh, sân bay quốc tế đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, là buổi sơ khai của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Chúng ta nhớ đến những tháng năm hoạt động từ năm 1949 đến năm 1955 của Ban nghiên cứu không quân, Ban nghiên cứu sân bay do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp ký Nghị định thành lập. Đây là những tổ chức tiền thân, chuẩn bị cơ sở vật chất, con người cho việc xây dựng lực lượng Không quân nhân dân và Hàng không dân dụng Việt Nam. Chúng ta tự hào về một mốc son chói lọi, bức điện lịch sử được phát từ Sân bay Gia Lâm vào 0h ngày 01/01/1955, chỉ 10 phút sau khi bộ đội ta tiếp quản sân bay, khẳng định chủ quyền vùng trời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và năng lực của những người con chân đất ưu tú của đất nước.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu
Gần tròn 60 năm trước, ngày 15/01/1956, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dùng thuộc Thủ tướng phủ, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển bền vững của ngành HKDDVN. Trải qua chặng đường 60 năm đầy hào hùng và bi tráng, vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, Hàng không Việt Nam đã xây đắp lên những thành tích, chiến công, ghi vào bề dày lịch sử vẻ vang của đất nước, của quân đội, của ngành giao thong vận tải, để lại những bài học cao quý, những kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc và những kết tinh phẩm chất cao quý “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Sau ngày ra đời, tuy còn rất non trẻ, máy bay của Hàng không dân dụng Việt Nam đã bắt đầu thay thế Hàng không Pháp để phục vụ Uỷ ban quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ tại Việt Nam; hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên cơ chở Bác Hồ và các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đi công tác trong nước và các nhiệm vụ đặc biệt khác.
Bước vào thập kỷ 60, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam ngày càng khẩn trương và ác liệt. Lực lượng hàng không dân dụng đã được tăng cường và phát triển thành Trung đoàn 919, trở thành lực lượng Không quân vận tải. Trung đoàn đã tổ chức hàng ngàn chuyến bay vận tải phục vụ mở đường Trường Sơn; làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Bằng những máy bay thô sơ đã làm bất ngờ kẻ thù bằng những chiến công hiển hách, bắn rơi tàu bay, tài biển biệt kích, các mục tiêu trên mặt đất của Mỹ-nguỵ; vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho mặt trận Trị Thiên – Huế.
Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, Không quân vận tải đã dốc toàn lực tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu thần tốc của mặt trận. Quân địch thua chạy rút khỏi sân bay ở đâu, cầu hàng không được nối ngay tới đó để nhanh chóng tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men. Ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chuyên cơ của Hàng không dân dụng VN đã bay thẳng từ Thủ đô Hà Nội vào Tp Sài Gòn chở Đồng chí Tổng bí thư và các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vào dự lễ mừng non song thống nhất.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Ngành hàng không đã tập trung cho mục đích xây dựng, phát triển kinh tế; tham gia tích cực vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng Hàng không dân dụng. Đây là thời gian thử thách vô cùng to lớn đối với thế hệ lãnh đạo của ngành; trăn trở đổi mới để phát triển, đấu tranh với những thói quen quan liêu, bao cấp.
Năm 1989, Hàng không dân dụng Việt Nam sau gần 40 năm gắn bó với màu xanh áo lính đã đánh dấu bước sang một giai đoạn phát triển mới khi toàn ngành tách khỏi quân đội, chuyển ngành tại chỗ, hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ quốc phòng, an ninh. Nhiều đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ tiêu biểu, xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp tục gắn bó, xây dựng Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập và phát triển toàn diện.
Những năm đầu của thập kỷ 90, Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh, tách 3 khối hữu cơ của ngành bao gồm quản lý bay, cảng hàng không, sân bay và vận tải hàng không; vượt qua cấm vận của Mỹ, bắt đầu khai thác tàu bay hiện đại của phương tây; đấu tranh thắng lợi giành lại phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Năm 1997, lãnh đạo Ngành đã có quyết định táo bạo, đổi toàn bộ đội bay sang thế hệ tàu bay phương tây. Ngày hôm nay, chúng ta cảm thấy vô cùng khâm phục những người lính đi ra từ chiến tranh đã có tầm nhìn vượt thời gian, tái cơ cấu một ngành kinh tế ngay sau những năm đầu của công cuộc đổi mới, tạo điều kiện cơ bản cho sự phát triển vượt bậc của ngành trong những năm sau này.
Bước vào thế kỷ 21, ngành HKDDVN đã có những cơ hội thuận lợi để tiếp cận và ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của hàng không thế giới, từ đó đã có những bước phát triển nhanh chóng và mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực; phát triển nhanh các cảng hàng không, sân bay, thiết bị điều hành bay, đổi mới đội tàu bay, phát triển dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật và dịch vụ thương mại mặt đất theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngành vận tải hàng không cũng đã tạo ra những bước phát triển đột phá, năng động trong hội nhập, mở rộng các đường bay nội địa, quốc tế, trở thành một nhân tố quan trọng thu hút đầu tư, du lịch và các hoạt động thương mại, văn hoá, xã hội giữa Việt Nam và thế giới. Các mối quan hệ hàng không đa phương và song phương không ngừng được thiết lập, mở rộng, tạo cho ngành HKDDVN nhanh chóng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định được vị thế, tầm vóc của mình trong cộng đồng hàng không quốc tế.
Đến nay 4 hãng HKVN, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air, Vasco khai thác 125 tàu bay với độ tuổi trung bình 5,6 tuổi, khai thác 48 đường bay nội địa; 52 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam khai thác 95 đường bay quốc tế kết nối 6 Cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2015, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 62 triệu lượt hành khách. Sản lượng điều hành bay đạt 640 nghìn lần chuyến. Vietnam Airlines đã thực hiện hàng trăm chuyến bay chuyên cơ bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ngành đã hoàn thiện và duy trì tốt hệ thống bảo đảm An ninh, An toàn hàng không. Chúng ta đã bước vào năm thứ 19 liên tục không để xảy ra tai nạn tàu bay.
Việc đầu tư xây dựng mạng cảng hàng không, sân bay được đặc biệt chú trọng, cùng với sự ra đời của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam năm 2012 trên cơ sở hợp nhất 3 Tổng công ty CHK MB, MT, MN, tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, 25/26 cảng hàng không đã hoàn thành quy hoạch. 21 cảng hàng không, sân bay hiện đang được khai thác với nhiều công trình nổi bật như nhà ga hành khách T2 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, CHK Đà Nẵng, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleicu. Tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không từ mức 6 triệu hành khách năm 2000 đã nâng lên mức 68 triệu hành khách vào năm 2015. Hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý bay cũng được hoàn thiện. Tổng công ty Quản lý bay đã xây dựng, đưa vào khai thác 2 Trung tâm ACC hiện đại tại HCM và HAN có thể dự bị khẩn cấp cho nhau; đài tiếp cận Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn nhất với hệ thống trang thiết bị điều hành bay hiện đại đứng trong nhóm đầu của khu vực, gần 20 đài chỉ huy tại các sân bay và hệ thống các đài trạm khác, bao gồm cả trên Đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Ngành HK cũng đang hết sức nỗ lực cho các Dự án trọng điểm như Cát bi, Thọ Xuân, Cam Ranh, đặc biệt là Cảng HKQT Long Thành.
Trong hội nhập quốc tế , Ngành HK đã chủ động, linh hoạt theo hướng tự do hoá. Đến nay nước ta đã có 67 Hiệp định vận chuyển song phương và 6 Hiệp định đa phương về vận tải hàng không; khuyến khích và đảm bảo các quyền cho các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam. Chúng ta đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình thiết lập Thị trường Hàng không thống nhất ASEAN, một bộ phận quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tính hội nhập quốc tế của ngành còn thể hiện thông qua việc cơ bản tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế trong tất cả các lĩnh vực hoạt động HKDD. Chính sách xã hội hóa của Nhà nước đã mở rộng các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải hàng không, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không. Toàn ngành đã quyết liệt triển khai công tác tái cơ cấu; Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các đơn vị thành viên đã thực hiện thành công cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, các đơn vị đều tăng năng suất lao động, tăng thu nhập của người lao động.
Hệ thống pháp luật được xây dựng, hoàn thiện và cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được ban hành, sửa đổi trong những năm 1992, 1995, 2006, 2014. Hệ thống văn bản dưới luật và các chính sách điều tiết được hoàn chỉnh và đổi mới phù hợp. Đóng góp vào thành tích chung của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có vai trò của Tổng cục HKDD, Cục Hàng không Việt Nam qua các thời kỳ; năng lực, hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước được nâng cao. Nghị định 66 của Chính phủ ra đời tháng 8/2015 là một điểm nhấn khẳng định vai trò, vị trí của Nhà chức trách hàng không Việt Nam trong cộng đồng hàng không quốc tế.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu
Chặng đường 60 năm qua, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi nhận biết bao tấm gương trung với Đảng, hiếu với dân, dũng cảm quên mình, chí nghĩa, chí tình góp phần làm nên những chiến công tiêu biểu trong trang lịch sử truyền thống của ngành. Ngành HKDDVN, các đơn vị, cá nhân của Ngành đã được Đảng, Nhà nước biểu dương, tặng thưởng nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý. Chúng ta luôn khắc ghi công ơn của hơn 100 anh hùng liệt sĩ của Ngành vì những chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của các anh. Chúng ta không thể quên những người “Khai sơn phá thạch” xây dựng ngành Hàng không từ những ngày trứng nước; những người lính ưu tú, vừa chiến đấu ngoan cường trong những giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, vừa trăn trở về một ngành kinh tế kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cho đất nước trong tương lai. Chúng ta không thể quên những đồng chí lãnh đạo từ khi Ngành HK chính thức trở thành ngành kinh tế, những tướng lĩnh, sỹ quan lừng lẫy một thời trong chiến tranh, đã bắt kịp nhịp thở của đất nước trong xây dựng kinh tế, hòa mình vào công cuộc đổi mới, chèo lái con thuyền Hàng không Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình phát triển. Trong suốt 60 năm qua, Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam vinh dự, tự hào được sự cống hiến của các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Các đồng chí luôn là niềm tự hào, niềm cảm hứng cho các thế hệ của Ngành; càng tự hào hơn khi tận mắt chứng kiến những ánh mắt cảm phục của đối tác quốc tế khi được trực tiếp làm việc với những phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam anh hùng. Chúng ta cũng không thể quên công lao cống hiến sức lực, trí tuệ của hàng vạn cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động trong 60 năm qua. Lịch sử ngành Hàng không dân dụng Việt Nam mãi mãi khắc ghi tên tuổi của những con người đã góp phần to lớn tạo dựng lên một Hàng không Việt Nam lớn mạnh ngày hôm nay.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu
Xuất phát và trưởng thành từ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân chủng Phòng không-Không quân anh hùng, Hàng không dân dụng Việt Nam luôn giữ vững bản chất cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trở thành một trong những ngành giao thông vận tải quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phục vụ quốc phòng an ninh.
Trong buổi lễ trọng thể này, cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành HKDDVN xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Giao thông vận tải; sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các Bộ, Ngành trung ương, chính quyền địa phương; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các địa phương trong suốt 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Xin bày tỏ sự tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng máu thịt của mình cho Tổ quốc. Xin gửi lời tri ân tới các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí thương binh, các tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành HK qua các thời kỳ luôn ngày đêm tâm huyết với sự nghiệp hàng không dân dụng. Xin cảm ơn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang hăng hái thi đua lao động vì sự nghiệp phát triển bền vững của ngành.
Tôi kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ thanh niên trong toàn Ngành HKDDVN phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường của Ngành Giao thông vận tải, 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Ngành HKDDVN để cống hiến, lao động và học tập với tinh thần đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, các đồng chí đại biểu!
Một mùa xuân mới lại về trên đất nước ta. Nhân dịp năm mới 2016 và Tết cổ truyền Bính Thân sắp tới, xin gửi tới tất cả các đồng chí những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí bước sang năm mới Mạnh khoẻ - An khang - Thịnh vượng và Thành công.
Xin chân thành cảm ơn./.