Bảo tàng Hàng không - Nơi lưu giữ lịch sử ngành Hàng không dân dụng Việt Nam

Thứ Ba, 09/08/2016 - 15:10 GMT+7

Tọa lạc trên phố Nguyễn Sơn, cạnh sân bay Gia Lâm lịch sử, công trình Bảo tàng Hàng không được hoàn thành năm 2002 trên khuôn viên rộng 14,451,5 m2. Ngày 15/1/2006, Bảo tàng được chính thức mở cửa đón khách tham quan nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Hàng không dân dụng Việt Nam.


Bảo tàng Hàng không Việt Nam

Đây là một địa điểm văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam thông qua các hình ảnh, tài liệu và hiện vật gốc của bảo tàng.
Nhìn từ xa, Bảo tàng Hàng không mang hình dáng nhà sàn đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao. Khu vực dành cho Bảo tàng có diện tích hơn 1000m2 . Điểm dừng chân đầu tiên khi khách đến tham quan là phòng Khánh tiết trang trọng, thiêng liêng, được thiết kế theo chủ đề “Dân tộc - Tổ quốc - Bầu trời”. Ở giữa khán phòng là tượng Bác Hồ kính yêu bằng đồng đặt trên nền đá Granit cao 1,2m. Hai bên được trang trí đầm sen thể hiện tình cảm của Người với quê hương đất nước. Phía sau tượng Bác là bức phù điêu gò đồng bán nguyệt. Phía trên được trang trí vòm trời xanh thể hiện khát vọng của người Việt Nam được bay lên làm chủ bầu trời Tổ quốc. Trước sân bảo tàng trưng bày hai máy bay IL-14 và AN-2. Chiếc IL-14  số hiệu VNC-482 do Chính phủ Liên Xô tặng riêng cho Bác Hồ năm 1958, đã phục vụ nhiều chuyến Bác Hồ đi công tác trong và ngoài nước an toàn tuyệt đối. Chiếc AN-2 mang số hiệu 670C đại diện cho lực lượng AN-2 của trung đoàn Không quân Vận tải 919 tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cũng như làm nhiệm vụ kinh tế đạt được nhiều thành tích và chiến công, đóng góp vào thành tích chung của Trung đoàn 919 - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (tiền thân của Đoàn bay 919 ngày nay).

Hai chiếc máy bay IL-14 và AN-2

Hiện khu trưng bày Bảo tàng có hơn 500 hiện vật, tài liệu, ảnh, các trang thiết bị, mô hình được chia thành 2 phần: Phần I: Những chặng đường lịch sử. Phần này bao gồm những tổ chức tiền thân của ngành Hàng không dân dụng Việt nam (HKDDVN) (1945-1955); Hoạt động của ngành HKDDVN trong những năm đầu thành lập (từ 1956-1959); HKDDVN tham gia làm nhiệm vụ với cách mạng Lào (1960-1962); HKDDVN góp phần vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chi viện cho chiến trường miền Nam (1960-1964) HKDDVN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1965-1975). Phần II: HKDDVN không ngừng phát triển trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1976 - nay).


Phòng Khánh tiết trang trọng

Có rất nhiều những bức ảnh quý được trưng bày trang trọng và nổi bật như: loạt ảnh về sự kiện thành lập ban nghiên cứu Không quân, Ban nghiên cứu sân bay, hình ảnh người phi công cách mạng đầu tiên Lê Hồng Phong trong trang phục phi công được Bác Hồ cử đi học phi công tại Liên Xô, quyết định của Thủ tướng phủ thành lập Ngành năm 1956 và một số hình ảnh hoạt động của ngành HKDDVN trong những ngày đầu thành lập. Hay những hiện vật rất thu hút người xem như: bằng lái máy bay, cặp bay, sổ ghi nhật ký bay… của đại tá phi công Trần Ngọc Bích (ông là phi công lái chính trên chuyên cơ Mi-4 và Mi-8 đã nhiều lần phục vụ Bác Hồ tuyệt đối an toàn từ 1958-1968), rồi những bức ảnh cảm động chụp tổ bay IL-14 ăn cơm dưới cánh máy bay trước giờ xuất kích trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ngoài ra còn có các những di vật, kỷ vật các nhân của các phi công, anh hùng liệt sỹ và các thế hệ cán bộ lãnh đạo nhân viên đã cống hiến qua các thời kỳ chiến đấu xây dựng và phát triển của ngành.


Quyết định thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 15/01/1956

Để có những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, cán bộ công nhân viên bảo tàng dày công lặn lội, chủ động, tích cực phát huy năng lực trong các đợt sưu tầm hiện vật trên hầu khắp các địa phương trong nước. Họ đã gặp gỡ rất nhiều các chứng nhân lịch sử, các cán bộ lão thành để thu thập thông tin và sưu tầm hiện vật, tài liệu. Ngoài ra còn đến các đơn vị bộ đội, các bảo tàng bạn, Cục Lưu trữ Trung ương, thu thập về cho kho nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh, có giá trị phục vụ cho công tác trưng bày, tuyên truyền và nghiên cứu khoa học. Có những kỷ vật vô cùng quý giá của bác Đặng Tính (Cục trưởng đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam) được con gái bác là chị Phương đã không quản ngại đường xá xa xôi đến tận nơi trao lại cho bảo tàng như: Chứng minh thư nhân dân cấp năm 1951, thẻ công tác do Thủ tướng Chính phủ cấp năm 1956, quyển hộ chiếu năm 1954…


Một trong những kỷ vật còn lại của đồng chí phi công - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Như Cẩn

Khách đến tham quan tại đây rất nhiều tầng lớp từ lão thành cách mạng của ngành, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị trực thuộc ngành, cán bộ công nhân viên, đoàn thanh niên, học sinh và quần chúng nhân dân… khi được nhân viên thuyết minh hướng dẫn, họ đều để lại ấn tượng sâu sắc. Họ ấn tượng về những chiến công trên mặt trận “không đối không” của tổ bay Nguyễn Văn Ba, Lê Tiến Phước, chiến công trên mặt trận “không đối đất” của tổ bay Phan Như Cẩn, Đào Hữu Ngoan; họ cảm phục tinh thần đấu tranh, xây dựng ngành những năm đầu vô cùng khó khăn thiếu thốn của các chiến sỹ hàng không mặc áo lính; họ ngưỡng mộ những liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà tên tuổi của họ đã ghi vào lịch sử ngành Hàng không Việt Nam như những mốc son chói lọi; họ kính cẩn và nghiêng mình trước những kỷ vật, chân dung của các liệt sỹ Không quân - Hàng không dân dụng tham gia trên các chiến trường. Đó là những trang sử sống vô cùng giá trị và trở thành những tượng đài sống mãi với thời gian.


Góc trưng bày sự ra đời của các tổ chức tiền thân của Hàng không dân dụng Việt Nam

Ngay từ khi thành lập, Bảo tàng Hàng không với chức năng tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử ngành Hàng không Việt Nam và xác định đây một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ý thức rõ được điều này, Bảo tàng Hàng không đã cụ thể hóa các công tác chuyên môn, phục vụ tối đa cho lợi ích của công việc và trên thực tế đã làm tốt về các mặt công tác. Trong 10 năm vừa qua, Bảo tàng đã hướng dẫn hàng nghìn lượt khách. Bên cạnh công tác thuyết minh hướng dẫn khách, Bảo tàng còn phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa bàn nơi đơn vị đứng chân như: dâng hương báo công với Bác Hồ tại phòng Khánh tiết, gặp mặt các thế hệ lãnh đạo của Ngành, gặp mặt Hội tình nghĩa Hàng không, cán bộ hưu trí trong ngành, các buổi học lịch sử địa phương của học sinh quận Long Biên. Đặc biệt, Bảo tàng còn đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ban ngành để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về ngành Hàng không với quan khách. 


Mảng trưng bày Hàng không dân dụng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế với cách mạng Lào 1960-1962

Để có được những kết quả đó là sự quan tâm chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo Cục Hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay, sự nỗ lực của tập thể phòng bảo tàng, họ đã cố gắng thể hiện được quá trình đi lên và lớn mạnh của ngành Hàng không thông qua việc trưng bày hiện vật, sự kiện trong bảo tàng. Tuy nhiên do chiến tranh và do ngành chuyển qua nhiều giai đoạn khác nhau nên bảo tàng gặp trở ngại rất nhiều trong quá trình sưu tầm hiện vật, nhưng Bảo tàng Hàng không cũng đã làm hết sức có thể để truyền tải được nội dung và hình thức phong phú cho khách tham quan. Công tác bảo quản hiện vật cũng được thường xuyên và lâu dài, hiện vật đang trưng bày và lưu kho đều được đánh số khoa học. Từ năm 2010, bảo tàng Hàng không đã đưa phần mềm bảo quản hiện vật vào sử dụng. Hàng nghìn bức ảnh tư liệu quý của ngành cũng được lưu file ảnh theo giai đoạn, do đó cũng hỗ trợ rất lớn vào công tác chuyên môn.


Góc trưng bày Hàng không dân dụng Việt Nam tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1965-1975)

Ngày hôm nay, Bảo tàng Hàng không đã và đang tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử của Ngành. Những hiện vật, tài liệu, ảnh trưng bày tại đây là chiếc cầu nối quá khứ lịch sử hào hùng của hiện tại và tương lai. Là địa chỉ để các thế hệ đi trước tìm về gặp gỡ ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng của mình. Tại nơi đây, các thông điệp vô cùng ý nghĩa về lịch sử đáng tự hào tiếp tục được truyền tải đến các thế hệ trẻ sau này. Họ đến để tham quan, chiêm ngưỡng để phần nào hiểu được và khâm phục thế hệ cha anh đi trước. Niềm tự hào ấy sẽ là bệ phóng giúp ngành Hàng không Việt Nam bay cao bay xa, sánh ngang cùng các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 
                                                  Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website