Tại hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra đề xuất đề nghị Thủ tướng cho phép Cổ phần hóa ACV lấy tiền xây sân bay Long Thành để thu tiền làm vốn đối ứng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang cần vốn giai đoạn đầu 7 tỷ đôla Mỹ.
Theo quy hoạch đến 2020, công suất cảng Tân Sơn Nhất là 20 triệu mà đến năm vừa rồi đã đạt 21 triệu. Nhu cầu đầu tư cảng quốc tế Long Thành rất cần thiết và gấp rút. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định, đây là dự án quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hàng không nói riêng, là dự án quan trọng để phục vụ phát triển vùng kinh tế chiến lược của Việt Nam.
Năm 2013, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón hơn 20 triệu lượt khách, sản lượng vận chuyển qua cảng hàng không đang tiếp tục tăng cao. Theo tính toán, đến năm 2015 Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, vượt công suất cực đại theo thiết kế, xảy ra tắc nghẽn cả trên vùng trời không lưu và dưới mặt đất. Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng tối đa Cảng Hàng không quốc tế Tân sơn Nhất hiện nay là cấp bách, nhưng cũng chỉ là giải quyết tình thế trong thời gian chờ xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tổng kinh phí được tính toán cho dự án sân bay Long Thành, với công suất 50 triệu khách/năm là 7 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, riêng vốn đối ứng ACV bỏ ra chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỷ đôla Mỹ. Việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với công suất thiết kế đạt tới 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm sẽ tạo ra một “thành phố sân bay” hiện đại khu vực Đông Nam Á.
Hiện ACV đang tiếp khai thác 8 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng hàng không địa phương. Năm 2013, tổng doanh thu của Tổng công ty đạt 6,4% so với năm 2012, nộp ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch năm./.