Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters mới đây, nhóm các nhà khí tượng học tại Đại học Reading (Anh) cho biết tần suất xảy ra nhiễu loạn không khí nghiêm trọng tại khu vực Bắc Đại Tây Dương đã tăng 55% so với 4 thập kỷ trước.\
Nhiễu loạn không khí nghiêm trọng tăng 55% so với 4 thập kỷ trước
Cụ thể, thời lượng xảy ra nhiễu loạn không khí nghiêm trọng hàng năm tại khu vực Bắc Đại Tây Dương - một trong những tuyến bay bận rộn nhất thế giới, đã tăng từ 17,7 giờ vào năm 1979 lên 27,4 giờ vào năm 2020, tức tăng 55%.
Trong khi đó, thời lượng xảy ra nhiễu loạn không khí ở mức trung bình hàng năm tăng 37% từ 70 giờ lên 96,1 giờ trong cùng kỳ. Thời lượng xảy ra nhiễu loạn không khí ở mức độ nhẹ tăng 17%, từ 466,5 giờ vào năm 1979 lên 546,8 giờ vào năm 2020.
Không chỉ riêng khu vực Bắc Đại Tây Dương, nhiều đường bay bận rộn khác trên thế giới qua không phận Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nam Đại Tây Dương cũng ghi nhận tần suất nhiễu loạn không khí gia tăng đáng kể.
Trên thực tế, thời gian gần đây đã xảy ra một số trường hợp chuyến bay bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn không khí. Ngay vào tháng 3/2023, chuyến bay của hãng hàng không Lufthansa chở 184 người trên hành trình từ bang Texas, Mỹ đến TP Frankfurt, Đức đã buộc phải chuyển hướng do gặp hiện tượng nhiễu loạn không khí nghiêm trọng. Dù máy bay đã hạ cánh an toàn nhưng 7 người đã phải nhập viện do chấn thương sau sự cố trên.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Reading đã phân tích dữ liệu liên quan đến khí quyển trong 40 năm qua. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới mà các nhà khoa học thống kê dữ liệu về nhiễu loạn không khí theo 21 cách khác nhau, mang đến bức tranh toàn cảnh chi tiết nhất về quá trình gia tăng hiện tượng nhiễu loạn không khí.
Gây thiệt hại tới 150-500 triệu USD/năm
Tiến sĩ Mark Prosser - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Nhiễu loạn không khí khiến các chuyến bay xóc nảy hơn và có thể gây nguy hiểm cho hành khách, thành viên phi hành đoàn”.
Theo hãng tin Straits Times, nhiễu loạn không khí tiềm ẩn nhiều mối đe dọa tới an toàn hàng không vì thiết bị đảm bảo an toàn vẫn còn nhiều hạn chế trong khả năng phát hiện hiện tượng này.
Ngoài ra, hiện tượng nhiễu loạn không khí có tính chất cục bộ, gây khó khăn trong quá trình dự báo, không như nhiễu loạn không khí do bão gây ra dễ phát hiện, theo dõi hơn và nhờ đó, có thể cảnh báo sớm hơn. Trước đây, cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra hiện tượng nhiễu loạn không khí gia tăng do biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Paul Williams - nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết: “Trong thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tần suất nhiễu loạn không khí trong tương lai. Qua nghiên cứu mới, chúng tôi đã thu thập được bằng chứng cho thấy quá trình gia tăng này đã bắt đầu”. Nhà khoa học kiến nghị cần đẩy mạnh đầu tư vào cải thiện khả năng dự báo nhiễu loạn không khí, hệ thống phát hiện nhiễu loạn không khí để tránh rủi ro cho các chuyến bay trong những thập kỷ tới./.
(baogiaothong.vn)
Tin từ Vietnam Airlines cho biết, Hãng vừa trở thành Hãng hàng không Việt Nam đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên các chuyến bay từ châu Âu. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của hãng khởi hành từ các sân bay châu Âu đều sử dụng SAF.
Vượt qua nhiều đề cử, Vietnam Airlines đã xuất sắc giành được giải thưởng “Ý tưởng phát triển bền vững” với dự án “Góp lá vá rừng - Vì Một Việt Nam Xanh và Phát Triển Bền Vững”. Đây là dự án được phối hợp chặt chẽ giữa ba đơn vị Vietnam Airlines, MoMo và PanNature.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố khảo sát hành khách toàn cầu 2024, trong đó khẳng định hành khách vẫn ưu tiên cho sự nhanh chóng và tiện lợi. Để nâng cao trải nghiệm đi lại, họ muốn sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học và hoàn thành một số thủ tục trước khi đến sân bay.
Các hãng Hàng không Việt Nam (HKVN) đã bổ sung thêm 522 chuyến bay trên các đường bay nội địa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.